Xăng 3 lần tăng giá, hàng hoá 'gồng' giữ được mấy hôm

28/02/2022 16:11:29

Giá xăng dầu tăng gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh thương mại của các siêu thị. Dẫu vậy, nhiều hệ thống siêu thị lớn khẳng định đang đàm phán với nhà cung cấp để giữ giá bình ổn.

Giá xăng dầu tăng gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh thương mại của các siêu thị. Dẫu vậy, nhiều hệ thống siêu thị lớn khẳng định đang đàm phán với nhà cung cấp để giữ giá bình ổn.

Giá xăng Việt Nam rẻ thứ 65 thế giới, dân vẫn kêu đắt là saoBom nổ trên trời châu Âu, đốt nóng giá dầu vượt 100 USD/thùngDoanh nghiệp lo mất đơn hàng vì xăng, dầu tăng giá  

Theo đại diện của MM Mega Market, giá xăng dầu tăng gấp 3 lần nên ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển và chi phí bao bì. Chi phí vận chuyển quốc tế cũng bị ảnh hưởng khi giá nhiên liệu tăng. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu đầu vào như bột mì, bơ tăng cũng sẽ tác động phần nào tới giá thành sản phẩm.

Từ các yếu tố trên, kéo theo tất cả các ngành hàng đều bị ảnh hưởng về giá. Đơn vị này đã cố gắng trì hoãn việc tăng giá nhằm hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và đủ đầy. Hiện tại, DN đang làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để có mức giá hợp lý nhất có thể trong quá trình phân phối.

Ông Bùi Trung Chính - Giám đốc Khối Thu mua ngành hàng Thực phẩm Aeon Việt Nam - nhận định, nếu giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của các nhà cung cấp cho khâu sản xuất, vận chuyển, đặc biệt,  đối với các sản phẩm mùa vụ và hàng tươi sống.

Xăng 3 lần tăng giá, hàng hoá 'gồng' giữ được mấy hôm
Các hệ thống siêu thị lớn cho biết, đang "ghìm" giá khi đàm phán với nhà cung cấp 

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá cả hàng hóa tại hệ thống vẫn ổn định, không có biến động nhiều. Ông Chính cho hay, DN vẫn chưa nhận được đề xuất tăng giá từ nhiều nhà cung cấp và khẳng định sẽ không có trường hợp giá cả tăng đột biến xảy ra trên hệ thống. Đơn vị đã và sẽ làm việc với các bên cung cấp để giữ bình ổn giá.

Đại diện Saigon Co.op cho biết, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ ngày 21/2 đang tạo áp lực lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại của DN. Dẫu vậy, do dự đoán tình hình thị trường trước nên DN đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa ngay sau Tết, làm việc sớm với các nhà cung cấp nhằm "neo" giá ở mức ổn định.

Thông tin từ Winmart/Winmart+, hiện hệ thống siêu thị, cửa hàng vẫn đang đảm bảo giá bán hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Trước đó, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin, đối với hàng hóa là lương thực, thực phẩm cũng như các mặt hàng thiết yếu. Các DN nằm trong chương trình bình ổn của TP đã cam kết giữ giá ổn định trước và sau Tết 1 tháng Do đó, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm với nguồn cung hiện nay và giá các mặt hàng trên thị trường.

Riêng một số mặt hàng bên ngoài chợ như rau, củ, thủy hải sản có những thời điểm giá biến động tăng do lượng hàng nhập về tại một thời điểm thấp, nếu sức mua tăng đột biến mới có việc điều chỉnh giá.

Sở đã khảo sát các vùng nguyên liệu cũng như cập nhật thông tin tại các địa phương có kết nối nguồn hàng với TP.HCM, nguồn hàng hiện nay không thiếu. Vấn đề là lực lượng thương nhân, thương lái sau khi nghỉ Tết đi thu mua, thu hoạch chưa trở lại nhịp bình thường trước đây dẫn đến một phần nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu.

“Tuy nhiên, với cách thức vận hành lâu nay thì đội ngũ thương lái tại thành phố rất nhạy bén, khi thấy nhu cầu thị trường cao, họ sẽ tập trung đưa hàng về nội thành đầy đủ. Người tiêu dùng có thể yên tâm”, ông Phương nói.

Theo Trần Chung (VietNamNet)

 

Nổi bật