Trước đó, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu tại Việt Nam báo cáo về những sản phẩm xà phòng diệt khuẩn, sữa tắm, chất tẩy rửa chứa các chất cấm trong danh sách FDA đã liệt kê. Theo đó nếu sản phẩm nào có chứa chất Triclosan sẽ bị cấm hoàn toàn.
Tuy nhiên theo khảo sát của VTV tại 2 hệ thống siêu thị lớn nhất hiện nay là Saigon Co.op và BigC, có gần chục loại sản phẩm xà phòng có chứa 2 chất triclosan và triclocarban đang được bày bán.
|
Hiện thị trường Việt Nam vẫn bán rất nhiều nước rửa tay có chứa chất cấm triclosan Ảnh minh họa/VTV |
Thậm chí, có sản phẩm còn dùng Triclosan để quảng cáo về tính năng diệt sạch khuẩn và thể hiện ngay trên bao bì. Triclosan và triclocarban xuất hiện ở cả sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất và sản phẩm nhập khẩu.
Cũng theo khảo sát, đa phần người dân khi chọn mua sản phẩm xà phòng chỉ quan tâm đến các yếu tố như: giá cả, mùi hương, thương hiệu… chứ không chú ý đến thành phần trong các sản phẩm này.
Còn theo khảo sát của báo Người Lao Động, trên thị trường hiện nay, rất nhiều sản phẩm nước rửa tay, xà phòng có thành phần triclosan.
Một chuyên gia trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm cho biết triclosan đang được sử dụng tương đối phổ biến ở nhiều mặt hàng hóa mỹ phẩm với vai trò là chất bảo quản và chất diệt khuẩn trong các sản phẩm rửa tay, sữa tắm...
Zing News dẫn nguồn thông tin từ CNN, FDA cho biết một số loại xà phòng kháng khuẩn trong gia dụng có chứa thành phần triclosan, chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả, đặc biệt nếu tiếp xúc lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy thành phần này nguy hiểm như thế nào?
Theo các chuyên gia, triclosan là thành phần chính trong xà phòng kháng khuẩn. Các đặc tính kháng khuẩn của chất diệt sinh vật này là lý do các nhà sản xuất sử dụng nó trong một số loại thuốc trừ sâu và các sản phẩm tiêu dùng như đệm, tấm cách nhiệt hay kem đánh răng, nước súc miệng. Tuy nhiên, triclosan lại có nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe của con người.
Trước đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ em tiếp xúc với triclosan dễ bị sốt cỏ khô (một tình trạng dị ứng phổ biến). Ngoài ra, triclosan cũng gây dị ứng viêm da tiếp xúc ở những người nhạy cảm.
Bên cạnh đó, chất này phản ứng với clo trong nước máy và tạo ra 2,4-dichlorophenol, hợp chất chuyển đổi thành dioxin khi tiếp xúc với bức xạ tia cực tím từ mặt trời. Một lượng nhỏ chất dioxin sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống nội tiết. Đây là chất hóa học ổn định, nên việc loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể phải mất thời gian dài. Nhiều báo cáo cho thấy triclosan kết hợp với clo trong nước máy tạo thành chloroform, một chất gây ung thư nguy hiểm.
Cũng theo các nghiên cứu chỉ ra rằng triclosan ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của các hormone tuyến giáp, làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Bên cạnh đó, chất này gây suy giảm kích thích, làm co các khớp nối trong cơ tim và xương. Không chỉ vậy, chúng còn rất độc hại với các vi khuẩn khỏe mạnh trong nước, đồng thời ức chế quá trình quang hợp của tảo, gây hại môi trường sống của trái đất.
Vẫn thông tin trên báo Người Lao Động, theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia y tế công cộng, hiện nay việc sử dụng 2 hóa chất này vẫn còn gây tranh cãi. Có ý kiến cho rằng hóa chất diệt khuẩn làm vệ sinh sạch hơn nhưng cũng có ý kiến phản đối bởi hóa chất này làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tăng nguy cơ vi khuẩn kháng hóa chất. Tuy nhiên, theo ông Lâm, việc FDA cấm sử dụng các hóa chất nêu trên là hoàn toàn đúng.
Theo Bộ Y tế, nếu các sản phẩm nước rửa tay diệt khuẩn có chứa chất cấm sẽ bị cấm lưu hành. Ảnh: Người Lao Động |
Khẳng định triclosan và triclocarban được sử dụng như một loại thuốc diệt khuẩn, PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho biết nếu uống trực tiếp 2 chất này có thể gây ung thư, rối loạn hormone trong cơ thể; gây các vấn đề sức khỏe, từ vô sinh đến dị tật. Tuy vậy, nếu rửa tay, rửa chân có thể rủi ro không cao.
Còn theo đại diện Cục Quản lý dược cho biết, danh mục các chất cấm này sẽ được đưa ra bàn thảo tại Hội đồng Mỹ phẩm các nước ASEAN tổ chức vào tháng 11 tới. Hiện quy định về quản lý mỹ phẩm tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực phải tuân theo Hiệp định Hòa hợp Mỹ phẩm ASEAN.
Theo các chuyên gia hóa học, hiện có hơn 200 hợp chất hữu cơ để diệt khuẩn. Chính vì thế, để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, các nhà sản xuất hoàn toàn có thể nghiên cứu để thay thế triclosan cũng như các chất thuộc danh mục 19 hoạt chất mà FDA đã khuyến cáo bằng hợp chất khác có tính năng diệt khuẩn tốt và an toàn hơn.
Theo An Dương (VietQ.vn)