Ngày 12/9, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN chính thức khai mạc với sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu quốc tế và trong nước đến tham dự Hội nghị, trong đó có lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và trong khu vực, cũng như lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự phiên khai mạc. Đây là phiên quan trọng nhất trong khuôn khổ Hội nghị, tập trung thảo luận về những ưu tiên của ASEAN trong Cách mạng Công nghiệp 4.0. Các lãnh đạo khu vực sẽ nêu lên những mối quan tâm then chốt và phương án phát triển trong kỷ nguyên công nghệ đột phá.
Sau lễ khai mạc, các đại biểu sẽ cùng thảo luận một số vấn đề nổi bật như viễn cảnh kinh tế ASEAN, an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, công nghệ tương lai, xung đột thương mại, chủ nghĩa đa dạng ở ASEAN...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận về Tầm nhìn mới cho khu vực Mekong. Tối cùng ngày, Thủ tướng sẽ chủ trì dạ hội quảng bá Việt Nam với sự tham gia của lãnh đạo các nước và đại biểu.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị, 20 Bộ trưởng và Thứ trưởng, trong đó có 5 Phó thủ tướng sẽ tham dự các phiên thảo luận Hội nghị.
Trong cuộc họp báo của các đồng chủ trì Hội nghị trước lễ khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhận định: “Hội nghị là cơ hội tốt để các doanh nghiệp và lãnh đạo để chia sẻ câu chuyện, kinh nghiệm và đặc biệt là các ý tưởng và sáng kiến mới cho ASEAN”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất các sáng kiến về tạo một ASEAN “phẳng”, để tất cả đều có thể chia sẻ ý kiến. Đề cập đến cơ hội của các quốc gia đang phát triển trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các nước đang phát triển có “ít gánh nặng hơn và có thể chuyển dịch nhanh hơn”. Theo ông, Cách mạng Công nghiệp 4.0 cần tập trung vào vấn đề tạo lập chính sách linh hoạt.
Bà Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, đồng tình rằng cần tạo lập chính sách linh hoạt để tạo môi trường cởi mở cho các doanh nghiệp và các nước hợp tác, học hỏi từ nhau, đồng thời tạo lập môi trường bình đẳng cho lao động về lâu dài.
Hội nghị WEF ASEAN là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng và lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018, diễn ra từ ngày 11-13/9 tại thủ đô Hà Nội. Hội nghị dự kiến có khoảng 55 thảo luận, tập trung vào những vấn đề chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang quan tâm trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Sáng 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch sáng lập WEF, Klaus Schwab, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và tổ chức lễ đón chính thức lãnh đạo cấp cao các nước tham dự Hội nghị. Sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF và các Trưởng đoàn tham quan góc quảng bá các nước ASEAN trước giờ khai mạc Hội nghị.
Theo Ngọc Hà (Tri Thức Trực Tuyến)