Phải làm quen với khủng hoảng
TS Trần Quốc Hùng, cựu Giám đốc điều hành Viện Tài chính Quốc tế IIF (Mỹ), cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Nga không cao, nhưng Việt Nam đang nhập khẩu từ Nga một số mặt hàng quan trọng với số lượng khá lớn, gồm thép, thức ăn chăn nuôi… Theo ông, các doanh nghiệp(DN) đang nhập khẩu hay xuất khẩu sang Nga sẽ gặp khó khăn trước mắt, nhưng đây cũng chính là cơ hội để chuyển đổi, tìm kiếm các thị trường mới. “Các DN cần thay đổi và quyết tâm thay đổi, nhất là về mặt tiêu chuẩn và công nghệ, để có thể thâm nhập vào các thị trường khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Khủng hoảng lần này có thể mở ra các cơ hội tức thời, như giá lương thực có thể lên cao, một số thị trường vốn nhập nông sản từ Nga có thể bị gián đoạn… Nhưng việc có thể tận dụng nó dài lâu hay không lại phụ thuộc vào chính DN”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược, cho rằng, đã đến lúc cả DN và người dân phải làm quen với các cuộc khủng hoảng, các biến động thường xuyên trong một nền kinh tế thị trường đầy đủ. “Với kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta lên đến 200% GDP, tức là nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất lớn thì chúng ta sẽ phải tập quen với những biến động thường xuyên của thị trường”, ông nói.
Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho biết, là quốc gia đang phát triển, tham gia sâu rộng vào thị trường thương mại tự do thời gian qua, Việt Nam nên hài hòa lợi ích giữa các bên và bảo vệ lợi ích chính đáng cho DN Việt trên thị trường quốc tế.
Theo các chuyên gia, hiện một số mặt hàng mà Việt Nam nhập nhiều từ Nga như lúa mì, ngô cũng là những mặt hàng mà Mỹ sản xuất nhiều. Việc chuyển hướng nhập khẩu các mặt hàng này từ Mỹ cũng là giải pháp, góp phần làm cân bằng hơn cán cân thanh toán, đa dạng hóa bạn hàng.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu - Leading Business Club, nói rằng, đầu tư, kinh doanh mà muốn chủ động thì DN phải quản trị được rủi ro để có chiến lược ứng phó kịp thời với diễn biến thị trường. Thị trường biến động không chỉ có khó khăn mà còn có thuận lợi, vấn đề ở chỗ DN có năng lực dự báo, vận hành sản xuất, kinh doanh như thế nào. “Tùy theo từng ngành nghề, lĩnh vực mà DN phải đánh giá lại nội lực và trước những cơn sóng biến động thị trường trong - ngoài nước. Bên cạnh đó, với bối cảnh hội nhập và thương mại tự do thì hoạt động kết nối, liên kết, hợp tác... cùng phát triển trong cộng đồng DN Việt Nam, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trong từng DN cần được chú trọng để chuyển đổi phù hợp theo xu hướng thị trường”, ông Trai đề xuất.
Tự cứu mình
Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty Duy Anh, cho biết, DN ông mỗi tháng xuất khoảng 5 container nông sản, thực phẩm sang hai thị trường Nga và Ukraine. “Khi cuộc xung đột diễn ra, các chuyến tàu vận chuyển quốc tế vẫn hoạt động nhưng sau một tuần, họ báo lại không có chuyến tàu nào đi Nga nữa. Trong khi đó, hàng ngàn sản phẩm chúng tôi chuẩn bị đưa đến Nga đã làm xong, chỉ còn chờ đóng hàng, lên tàu là đi. Nhưng chúng tôi đành phải dừng tất cả lại, lưu kho…”, ông nói. Lo lắng vì không biết khi nào mới có thể xuất hàng sang Nga, trong khi sản phẩm thực phẩm có thời hạn không dài, Công ty Duy Anh đành phải tháo toàn bộ sản phẩm đã hoàn thành ra để đóng bao bì khác rồi đưa đến châu Âu. “Tuy nhiên, thị trường Nga và Ukraine chỉ chiếm 10% sản lượng của DN nên cũng không ảnh hưởng nhiều lắm”, ông Toàn chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược, nói rằng, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đạt khoảng 5,4 tỷ USD năm 2021, chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó nước ta xuất siêu hơn 1 tỷ USD.
Ông Đoàn Minh Quốc, Giám đốc Công ty Kính Đình Quốc,nói rằng, trong bối cảnh vừa trải qua dịch bệnh COVID-19, giờ lại vướng chiến sự Nga-Ukraine, giá xăng dầu cũng như chi phí logistics tăng, công ty tìm cách giảm bớt nhân sự và chi phí nhà máy để mô hình kinh doanh nhẹ hơn, “chất” hơn; chuẩn bị tâm thế, chủ động dòng vốn giá rẻ để mua nguyên liệu, bán ra “thu nhanh trả chậm”; đa dạng hóa thị trường để bán được hàng. “Hiện giờ, DN phải trả tiền trước khi mua hàng, đặt lịch trước với hãng tàu vận chuyển, đặt container trước, chúng tôi phải mua nguyên liệu nhiều hơn để có giá thành rẻ so với trước thời kỳ biến động từ cuộc chiến”, ông Quốc nói.
Theo Uyên Phương (Tiền Phong)