"Vua mì tôm" Miliket lên sàn với mức định giá khiêm tốn 124 tỷ đồng

05/07/2017 09:43:00

Với lịch sử 45 năm, được xưng tụng “vua mì tôm” một thời nhưng khi chào sàn gần 5 triệu cổ phiếu, CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket chỉ đạt vốn hóa 124 tỷ đồng.

Với lịch sử 45 năm, được xưng tụng “vua mì tôm” một thời nhưng khi chào sàn gần 5 triệu cổ phiếu, CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket chỉ đạt vốn hóa 124 tỷ đồng.

Tại mức giá này, vốn hóa của Colusa chỉ đạt 124 tỷ đồng. Trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu trên sàn Upcom sẽ dao động trong biên độ +/-40% so với giá tham chiếu.

Tiền thân của Colusa Miliket là 2 đơn vị: Xí nghiệp chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa và Xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Miliket. Hai doanh nghiệp này được sáp nhập vào tháng 4/2004, với tên gọi Xí nghiệp chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket để thực hiện cổ phần hóa.

Xí nghiệp chế biến Lương thực Thực phẩm Colusa thành lập năm 1972 với tên gọi Công ty sản xuất chế biến mì ăn liền Safoco Sài Gòn thực phẩm. Còn Xí nghiệp Lương thực Thực phẩm Miliket thành lập năm 1995, sáp nhập từ 2 cửa hàng Lương thực Thủ Đức và Lương thực quận 5.

'Vua mi tom' Miliket len san voi muc dinh gia khiem ton 124 ty dong hinh anh 1

Cơ cấu cổ đông của Colusa - Miliket. Đồ họa: Quang Thắng.

Tháng 8/2006, công ty chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 48 tỷ đồng. Từ đó đến nay công ty chưa tiến hành tăng vốn.

Tính đến 15/11/2016 Colusa - Miliket có 4 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 80,51% vốn điều lệ công ty, trong đó Tổng công ty Lương thực Miền Nam (VNF2 – Vinafood 2) là cổ đông lớn nhất, sở hữu 30,72% vốn, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam Vinataba sở hữu 20,41% vốn.

Các sản phẩm chính của công ty gồm các loại mì ăn liền, thực phẩm ăn liền chế biến từ gạo như phở, bún, hủ tíu…Hiện Colusa - Miliket đóng trụ sở và nhà máy tại khu đất 20.000 m2 ở quận Thủ Đức. Công ty được biết đến với 2 thương hiệu quen thuộc Colusa và Miliket.

Những năm 90 của thế kỷ trước, mì tôm Miliket là một trong những sản phẩm thực phẩm phổ biến nhất Việt Nam. Sự tiện lợi, giá thành rẻ, hương vị phù hợp khiến Miliket có giai đoạn chiếm tới 90% thị phần mì ăn liền tại Việt Nam.

Những năm trở lại đây, sự xuất hiện của hàng loạt ông lớn ngành thực phẩm đã khiến thị phần của Miliket ngày càng thu hẹp. Theo tính toán, thị phần mì ăn liền hiện nay của "vua mì tôm" chỉ dưới 4%, với sản lượng gần 15.000 tấn trong năm 2016.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 của Miliket, công ty này sản xuất 14.859 tấn mì ăn liền và thu về 461 tỷ đồng doanh thu. Lãi sau khi trừ các chi phí liên quan là 25 tỷ đồng.

3 tháng đầu năm 2017, Miliket cũng thu về 126 tỷ đồng doanh thu và 6 tỷ đồng lợi nhuận. So với Vina Acecook, Masan… lợi nhuận của Miliket là rất nhỏ. Tuy nhiên, con số 25 tỷ đồng lợi nhuận năm 2016 là không nhỏ so với vốn điều lệ 48 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn điều lệ của công ty này lên tới 52%.

Tính tới hết quý I, tổng tài sản của Miliket đạt 194 tỷ đồng, trong đó có 129 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. Công ty này cũng không có bất kỳ khoản nợ vay ngân hàng nào.

Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)