Cụ thể, ngày 13/11 vừa qua, BIDV chi nhánh Quang Trung đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Thanh An An. Khoản nợ được đảm bảo bằng 30 quyền sử dụng đất tại Xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với mức giá khởi điểm hơn 115,4 tỷ đồng.
Cùng ngày, BIDV Châu Thành Sài Gòn thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất thửa đất số 525 tờ bản đồ số 10 tại phường Long Trường, Quận 9, TP.HCM với diện tích 925m2. Giá khởi điểm của tài sản hơn 24 tỷ đồng.
BIDV Nghệ An cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Đầu tư & thương mại Dầu khí Nghệ An bao gồm nợ gốc gần 40 tỷ đồng, dư lãi trong hạn 45 tỷ đồng, cùng lãi phạt 328 triệu đồng. Khoản nợ được đấu giá với mức khởi điểm là 85,2 tỷ đồng.
Tài sản thế chấp cho khoản vay này là dự án tòa nhà Dầu khí theo hợp đồng thế chấp số 01/2011/BIDV-PVFC ngày 12/11/2011 giữa Công ty CP Đầu tư và TM dầu khí Nghệ An với BIDV Nghệ An và PVFC Thanh Hoá (Nay là PVCombank) (Trong đó tài sản thế chấp tại BIDV Nghệ An là 8 tầng văn phòng cho thuê (từ tầng 15-22) diện tích sử dụng mỗi tầng khoảng 733 m2).
Trước đó, BIDV Lạng Sơn thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản để bán đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Quốc tế Thiên Trường được đảm bảo bằng các tài sản như bất động sản và tài sản gắn liền với đất. Giá khởi điểm bán đấu giá khoản nợ (Toàn bộ dư nợ gốc và lãi vay) tạm tính đến hết ngày 30/9/2019 hơn 100 tỷ đồng.
BIDV Bắc Hà Nội cũng công bố lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản gồm BĐS tại thửa đất số 586, tờ bản đồ số 75 và BĐS tại thửa đất số 613, tờ bản đồ số 75 tại P. Tân Thuận Đông, Quận 7, TP HCM với giá khởi điểm lần lượt là 15,6 tỷ đồng, 17 tỷ đồng.
Chỉ điểm qua một số khoản nợ đấu giá, BIDV có thể sẽ thu về giá trị khoảng 350 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, BIDV có nợ xấu cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước nên nhà băng này cũng đang ráo riết xử lý nợ xấu bằng cách bán nợ/ tài sản đảm bảo để thu hồi. Cuối tháng 9/2019, nợ xấu nội bảng của BIDV là 22.436 tỷ đồng, tăng 19,3% so với đầu năm. Nợ nhóm 5 tăng 70% lên 12.194 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,90% hồi đầu năm lên 2,09% cuối tháng 9.
Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, BIDV từng đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2019 là 10.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó nhà băng này đã điều chỉnh giảm ở mức 10.300 tỷ đồng. Số 200 tỷ đồng được điều chỉnh giảm trong phần lợi nhuận này được dùng để tăng vào quỹ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Chứng tỏ BIDV chưa thực sự kỳ vọng nhiều vào việc xử lý nợ xấu của mình.
BIDV vừa thông báo tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 27/12/2019 trong bối cảnh ngân hàng này vừa tăng vốn thành công lên 40.220 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống sau khi hoàn tất phát hành 603 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank.
Sau phát hành, KEB Hana Bank trở thành cổ đông lớn thứ hai của BIDV khi sở hữu 15% cổ phần. Đồng thời, tỉ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước giảm từ mức 95,28% xuống còn 81%.
Trong khi đó, phía KEB Hana Bank sẽ gửi khoảng 20 chuyên gia Hàn Quốc đến BIDV để đảm nhận một số vị trí quan trọng, bao gồm vị trí trong HĐQT và ban quản lí.
Theo Hà Phương (Kinhdoanhnet.vn)