ột tín hiệu lạ vừa xuất hiện trên thị trường chứng khoán khi cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 có phiên tăng ấn tượng sau chuỗi ngày ảm đạm.
Theo đó, chốt phiên ngày 3/3, cổ phiếu YEG giao dịch ở mức 68.900 đồng/CP, mức tăng có thể xem là khó tưởng tượng so với thời điểm rớt giá thảm hại cách đây 1 năm.
Giá cổ phiếu YEG “lên như diều gặp gió” nhờ cú bắt tay lịch sử với ái nữ của Chủ tịch Tân Hiệp Phát.
Ngày 2/3, HĐQT CTCP Tập đoàn Yeah1 công bố thông tin gửi đến UBCK Nhà nước và Sở GDCK TP.HCM, cho biết đã thông qua chủ trương hợp tác liên quan đến hợp đồng dịch vụ với Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Tân Hiệp Phát.
Các hợp đồng dự kiến ký kết sau khi được ĐHĐCĐ chấp thuận tại cuộc họp thường niên sắp tới.
Trước đó, ái nữ nhà Tân Hiệp Phát là bà Trần Uyên Phương đã chi ra gần 300 tỷ đồng để mua 6,05 triệu cp (gần 20%) trong giai đoạn 17-19/2/2020, từ đó nâng tỷ lệ sở hữu lên 21,61%.
Cùng với đó Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc YEG cũng đã công bố hoàn tất thương vụ bán cổ phiếu cá nhân, với giá trị ước gần 299 tỷ đồng.
Sau khi bán cổ phần, ông Nguyễn Nhượng Ảnh Tống, Chủ tịch HĐQT YEG còn sở hữu 25,52% vốn, còn ông Đào Phúc Trí (Tổng giám đốc YEG) giảm tỷ lệ sở hữu về 5,1% vốn. Với tỷ lệ sở hữu hiện nay, ông Tống vẫn là cổ đông có tỷ lệ sở hữu cao nhất, sau đó là bà Phương.
Bà Phương hiện là Phó tổng giám Tập đoàn Tân Hiệp Phát và cũng là ái nữ của nhà sáng lập là ông Trần Quý Thanh.
Việc bà Phương mua lại 20% cổ phần Yeah1 dưới danh nghĩa cá nhân càng củng cố cơ sơ vững chắc cho sự hợp tác chiến lược giữa hai bên, một bên là tập đoàn nước giải khát có quy mô hàng đầu Việt Nam và một là đơn vị sở hữu nền tảng truyền thông có kinh nghiệm.
Cổ phiếu YEG đã bắt đầu bật tăng mạnh từ lúc xuất hiện thông tin Chủ tịch Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống và Tổng giám đốc Đào Phúc Trí cùng đăng ký bán ra vào ngày 11/2. Kể từ đó cho đến thời điểm khép phiên ngày 3/3, cổ phiếu YEG đã tăng khoảng 84%.
Đến 14h ngày 4/3, YEG tiếp tục tăng trần lên mức 73.700 đồng/CP - mức giá "không tưởng" sau khó khăn với Youtube hồi tháng 3/2019.
Năm 2019, doanh thu thuần của Yeah1 đạt gần 1.444 tỷ đồng, giảm gần 14%. Đáng chú ý là theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2019 của Yeah1, Công ty TNHH thương mại – dịch vụ Tân Hiệp Phát đang nợ Yeah1 hơn 1,8 tỷ đồng, quá hạn 1 năm chưa trả nợ nên thành nợ xấu.
Yeah1 bắt đầu phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2018 và ngay lập tức niêm yết trên sàn chứng khoán với mức giá cao kỷ lục: 250.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu YEG lao dốc mạnh trong năm 2019 do tập đoàn này từ tháng 3/2019 đã bị YouTube thông báo chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung vì có hoạt động tuyển chọn kênh chưa phù hợp với quy trình.
Sau khi vướng sự cố với YouTube, cổ phiếu của Tập đoàn Yeah1 đã giảm sàn 13 phiên giao dịch tính từ ngày 4/3 cho đến hết ngày 20/3, tạo nên đợt giảm sàn thuộc dạng kỷ lục trên thị trường chứng khoán.
Yeah1 sau đó buộc phải bán ScaleLab (Mỹ) nhưng không thu được tiền, phải trích lập khoản dự phòng rủi ro lên đến khoảng 20 triệu USD.
Theo Lê Lan (Nguoiduatin.vn)