“Trong 6 tháng đầu năm 2016, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khá đều qua các tháng và là năm thứ 2 liên tiếp có tăng trưởng dương từ đầu năm, trong đó tăng chủ yếu ở tín dụng VND trong khi dư nợ ngoại tệ vẫn tiếp tục giảm. Xu hướng này cũng phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và định hướng điều hành của NHNN khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang được cải thiện và chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa”, ông Nguyễn Tiến Đông cho biết.
Theo phân tích của ông Đông, điểm tích cực là cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã thấp so với thời kỳ của năm 1996 - 1997 và thấp nhất trong 30 năm đổi mới. |
Cụ thể, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến cuối tháng 6.2016 ước đạt 886.000 tỷ đồng, tăng 4,98% so với cuối năm 2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 6,48%), chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế.
Cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 183.418 tỷ đồng, tăng 5,53%, chiếm tỷ trọng 3,41% tổng dư nợ nền kinh tế; Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.029.792 tỷ đồng, tăng 2,62%, chiếm tỷ trọng 20,1% tổng dư nợ nền kinh tế; Cho vay lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển đạt 121.527 tỷ đồng, tăng 2,37%, chiếm tỷ trọng 2,26% tổng dư nợ nền kinh tế; Cho vay lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 28.617 tỷ đồng, tăng 1,45%, chiếm tỷ trọng 0,53% tổng dư nợ nền kinh tế.
“Cơ cấu tín dụng cho thấy các ngân hàng đang thận trọng và hạn chế cho vay bất động sản, BOT. Hiện cho vay BOT khoảng 300.000 tỷ đồng/4,5 triệu tỷ đồng. Với những yêu cầu của Thông tư 36, các ngân hàng phải hạn chế giải ngân những tín dụng trung và dài hạn trên 10 năm, 20 năm để đảm bảo thanh khoản”, ông Đông cho biết.
Theo ông Đông, với xu hướng phục hồi của nền kinh tế trong nước, hậu quả thiên tai đang được khắc phục có hiệu quả, lĩnh vực nông nghiệp đang phục hồi... thì tăng trưởng tín dụng trong năm nay có thể đạt được kế hoạch đề ra là 18 – 20%.
Trong bối cảnh đó, số liệu do Tổng cục Thống kê cho hay, mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định. Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4,5%-5,4%/năm; kỳ hạn trên 6 tháng ở mức 5,4%-7,2%/năm.
Theo đánh giá của ông Đông, thực tế mặt bằng lãi suất hiện nay không ảnh hưởng quá nhiều tới kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp không sử dụng hết hạn mức tín dụng ngân hàng cấp là điều hết sức bình thường.
“Nếu đem lãi suất so với thế giới và khu vực thì rất khác, vì CPI của Việt Nam trong năm nay đặt mục tiêu 5%, như vậy lãi suất huy động phải tối thiếu 5,5 – 6%/năm, có như vậy mới đảm bảo thực dương cho người gửi tiền. Ngoài ra, các ngân hàng huy động vào thì phải đảm bảo giá vốn đầu vào gồm các chi phí dự trữ bắt buộc, trích lập dự phòng, chi phí hoạt động… Nếu cộng những khoản này vào thì giá vốn đầu vào thì giá vốn đầu vào phải khoảng 7% và cho vay ra với mức 9%/năm thì không cao, mức chênh lệch 2% là bình thường”, ông Đông nhấn mạnh.
Theo N.Hiền (Dân Trí)