Liên quan vụ vụ tranh chấp ly hôn giữa vợ chồng cà phê Trung Nguyên (bà Lê Hoàng Diệp Thảo – SN 1973 và chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ - SN 1971, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên), chiều 5/12, HĐXX đã tuyên "không chấp nhận kháng cáo" của bà Thảo và ông Vũ; chấp nhận một phần kháng nghị; ghi nhận sự thỏa thuận, tự nguyện ly hôn, cấp dưỡng, và tài sản là bất động sản giữa các bên.
HĐXX tuyên công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ; công nhận sự tự nguyện thỏa thuận, giao bà Thảo nuôi con chung các bên, chấp nhận sự tự nguyện của ông Vũ cấp dưỡng nuôi 4 con, thời gian cấp dưỡng từ năm 2013 đến các con học xong đại học.
Giao cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần chung tại Trung Nguyên tương đương tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng. Đồng thời, giao cho bà Thảo sở hữu toàn bộ tiền, vàng, ngoại tệ trong ngân hàng do bà Thảo quản lý, khoảng hơn 1.764 tỷ đồng.
Ông Vũ có trách nhiệm hoàn lại cho bà Thảo 1.510 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trên, ông Vũ có quyền liên hệ các cơ quan chức năng để thay đổi tên, thành viên trong các công ty Trung Nguyên.
Sau sự việc lùm xùm, dư luận tiếp tục đặt câu hỏi, vì sao nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo không được chấp nhận các yêu cầu mà còn bị phản tố việc chia tài sản chung?.
Bàn về vấn đề pháp lý của vụ án này, luật sư Trần Thanh Phán (Phó Giám đốc Công ty Luật Pegasus - Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Trước hết cần phải phân tích về Đơn khởi kiện ly hôn và các yêu cầu khởi kiện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Theo nội dung đơn khởi kiện và các yêu cầu khởi kiện đã được nguyên đơn là bà Thảo nên trong đơn và nêu tại Tòa thì mục đích yêu cầu khởi kiện ly hôn của bà Thảo có nhiều nội dung nhưng hàm chứa trong các yêu cầu đó thì có một số vấn đề chính như sau: Thứ nhất, là yêu cầu được ly hôn; Thứ hai là phân chia tài sản chung; Thứ ba là yêu cầu phụ cấp nuôi con.
Điểm nhấn ở đây là việc chia tài sản chung và yêu cầu phụ cấp nuôi con: Theo như yêu cầu của bà Thảo thì bà Thảo mong muốn là sẽ nắm giữ được cổ phần của mình và cổ phần của các con mình để bà Thảo tiếp tục được tham gia điều hành Tập đoàn Trung Nguyên. Có thể nói, với yêu cầu ban đầu của bà Thảo là sẽ chia cho 4 người con của mình với mỗi người con là 5% cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên thì chỉ riêng tỷ lệ cổ phần của 4 người con đã là 20% cổ phần của Tập đoàn.
Do vậy, nếu Tòa án chấp thuận yêu cầu này của bà Thảo thì trong trường hợp Tòa án có chia số tài sản còn lại tại Trung Nguyên sau khi đã chia cho các con theo tỷ lệ ông Vũ được 60% và bà Thảo 40% (trong tổng số 80% tài sản còn lại) thì nhóm cổ đông của bà Thảo và 4 người con sẽ là 20% + 40% x 80% = 52% tổng số cổ phần chung của vợ chồng bà Thảo ông Vũ tại Trung Nguyên.
Khi đó, đương nhiên bà Thảo và các con là cổ đông lớn nhất và có quyền chi phối cổ phần và nắm quyền điều hành Trung Nguyên. Tuy nhiên, vì yêu cầu của bà Thảo đối với việc phụ cấp 5% cho mỗi người con không được ông Vũ chấp thuận và cũng không được Tòa án chấp thuận mà theo đó ông Vũ chỉ đồng ý trợ cấp 10 tỷ đồng/năm cho 4 người con cho đến khi các con trưởng thành (học xong Đại học). Chính vì lẽ trên lên bà Thảo đã không đạt được mong muốn và nguyện vọng của mình trong việc nắm điều điều hành Trung Nguyên sau ly hôn.
Một vấn đề được đặt ra nữa là tại sao sau bản án sơ thẩm thì phía nguyên đơn là bà Thảo luôn cho rằng giá trị tài sản của Tập đoàn Trung Nguyên được định giá khoảng 5.700 tỷ không phù hợp với giá trị thực tế?.
Cụ thể, yêu cầu khởi kiện của bà Thảo thì việc bà Thảo khởi kiện ly hôn là mong muốn chia cổ phần tại Trung Nguyên và tham gia điều hành tại Trung Nguyên chứ không phải chia tiền. Do vậy, trước khi Tòa án xét xử và tại phiên tòa thì Tòa án đều đã đưa ra căn cứ để định giá tài sản của Tập đoàn Trung Nguyên và các bên đều không có ý kiến về việc này. Việc các bên không có ý kiến về việc định giá tài sản của Trung Nguyên thì coi như các bên đã đồng ý về giá trị tài sản của Trung Nguyên và đó là căn cứ để Tòa án xác định chia tài sản. Sau khi xét xử sơ thẩm một số ý kiến cho rằng tài sản của Trung Nguyên lớn hơn nhiều so với con số 5.700 tỷ đồng vì ngoài giá trị hữu hình của Trung Nguyên thì nó còn có giá trị vô hình và thương hiệu của Trung Nguyên và từ đó cho rằng bản án đó bất công bằng với bà Thảo là không phù hợp với nguyên tắc chia tài sản và không phù hợp với diễn biến và quá trình xảy ra trong toàn vụ án.
Trong vụ án này, nguyên đơn là bà Thảo ngoài việc không lường trước được việc những yêu cầu khởi kiện của mình sẽ không được Tòa án chấp thuận theo yêu cầu thì bà Thảo còn bị chính bị đơn là ông Vũ phản tố lại việc chia tài sản chung đối với khoản tài sản là vàng, bạc, tiền gửi tại ngân hàng mà bà Thảo đang quản lý và nắm giữ. Tổng số tài sản này theo như trình bày ban đầu của ông Vũ khoảng 2.100 tỷ nhưng sau khi Tòa án xác minh lại thì số tài sản này còn lại là 1.764 tỷ đồng và bà Thảo đã không chứng minh được tài sản này đã được chi tiêu vào việc chung như thế nào nên Tòa án có căn cứ để xác định đây là tài sản chung và đưa vào vụ án để làm căn cứ chia tài sản.
Theo luật sư Trần Thanh Phán, việc bà Thảo không đạt được mục đích chia tài sản để từ đó tham gia chi phối và nắm quyền điều hành tại Trung Nguyên như đã yêu cầu bởi các lý do sau:
Các đương sự đã không có ý kiến (coi như đồng ý) về việc định giá đối với tài sản tại Tập đoàn Trung Nguyên với giá trị khoảng 5.700 tỷ đồng. Do vậy, khi chia tài sản thì Tòa có quyền cho một bên nắm giữ cổ phần, một bên nhận bằng tiền để đảm bảo và duy trì tài sản đó.
Yêu cầu trợ cấp cho 4 người con với tổng giá trị 20% cổ phần tại Trung Nguyên không được chấp thuận.
Ông Vũ đã có yêu cầu phản tố và Tòa án đã đưa tài sản mà bà Thảo bỏ quên (không đưa) mà mình đang nắm giữ và quản lý nên tới 1.764 tỷ đồng vào tài sản chung của vợ chồng để chia.
Trong khi đó, bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đều xác định Ông Vũ đứng tên giấy phép kinh doanh, phát triển công ty. Từ khi thành lập doanh nghiệp, số lượng vốn góp của ông Vũ luôn nhiều hơn bà Thảo. Bà Thảo nuôi các con ăn học và thường xuyên ở nước ngoài chăm các con. Đây là điều cốt lõi xác định công sức đóng góp của hai bên. Như vậy, Tòa quyết định chia theo tỷ lệ ông Vũ 60% - bà Thảo 40% là có cơ sở và phù hợp với quan điểm phân chia tài sản trong Luật Hôn nhân và gia đình.
"Với những gì đã xảy ra trong vụ án thì có thể thấy rằng quan điểm về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trong vụ án này đã chưa thực sự bám sát với thực tế và các quy định của Pháp luật, đặc biệt là việc yêu cầu trợ cấp cổ phần cho các con khi các con còn nhỏ, không tham gia vào điều hành công ty và việc bỏ quên tài sản chung để yêu cầu chia tài sản", Phó Giám đốc Công ty Luật Pegasus nhấn mạnh.
Theo Cao Tuân (Giadinh.net.vn)