Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định hàng hoá, vật phẩm rao bán trên các trang thương mại điện tử là vũ khí hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính.
Liên quan đến loạt bài về việc Lazada rao bán thiết bị lắp ráp súng mà ICTnews đã phản ánh trong mấy ngày qua, trả lời phỏng vấn ICTnews về việc các hành vi rao bán thiết bị lắp ráp vũ khí thể thao mạo hiểm trên Lazada có vi phạm pháp luật hay không?
Và nếu có vi phạm sẽ bị xử lý thế nào? Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định: "Tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động thương mại điện tử, kể cả thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".
Ông Trần Hữu Linh cho biết, theo khoản 6 Điều 4 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định: "Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, trang bị, mang, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy xác nhận".
Đồng thời, các hành vi "nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ" là những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Theo quy định tại khoản 1 Điều Nghị định số 79/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ Công an có trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ông Trần Hữu Linh cho hay, căn cứ các quy định pháp luật trên, Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương sẽ tiến hành phối hợp với cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an xác định, phân loại các loại hàng hoá, vật phẩm có liên quan để xác định và nếu có hành vi vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định hàng hoá, vật phẩm rao bán trên các trang thương mại điện tử là vũ khí hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí theo quy đinh của pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép các đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Khoản 1 Điều 306 của Bộ luật Hình sự (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ) quy định: "Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm".
Hoặc những người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/ 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình hoặc xử lý theo điều 10 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ.
Sau khi ICTnews đăng loạt bài phản ánh, Lazada Việt Nam đã xác nhận có tình trạng rao bán thiết bị lắp ráp súng dưới dạng đồ thể thao mạo hiểm và tiến hành xóa nhiều sản phẩm loại này trên sàn. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, với việc buông lỏng quản lý các shop bán thiết bị súng dưới dạng thiết bị thể thao mạo hiểm trên các trang thương mại điện tử thì ranh giới giữa buôn bán súng đồ chơi và súng thật rất mong manh.
Đang có tình trạng rao bán các thiết bị súng phân lẻ theo từng bộ phận, chia làm nhiều shop khác nhau, nếu mua đủ bộ sẽ lắp thành một khẩu súng hoàn chỉnh.
Mặc dù chỉ là rao bán thiết bị súng thể thao, súng đồ chơi mạo hiểm nhưng cũng khiến nhiều người lo ngại rằng, với cách thức rao bán thiết bị súng đồ chơi phân nhỏ thành từng thiết bị thì một số đối tượng có thể lợi dụng phương thức này để bán súng quân dụng, súng thật.
Nhất là khi cơ quan chức năng và các sàn thương mại điện tử buông lỏng quản lý sẽ dễ dàng bị qua mặt.
Quy định của Luật quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 như sau:
"1. Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
2. Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trangnhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;
b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;
c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;
d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
3. Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này.
4. Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
5. Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:
a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;
b) Vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4 Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.
6. Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao".
Theo Mỹ Lan (ICTnews)