Vụ nữ doanh nhân kiện bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Dũng "lò vôi") đòi bồi thường 1.000 tỉ đồng đã thu hút sự quan tâm của dư luận mấy ngày qua. Nhiều người khó hiểu con số 1.000 tỉ đồng này căn cứ vào đâu, có phù hợp với thực tế và liệu có khả thi?
Theo nội dung đơn kiện, bà Giàu cho rằng các hành vi của bà Hằng đã xúc phạm danh dự, uy tín mình và đưa ra yêu cầu buộc bà Hằng bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần cho bà với số tiền 1.000 tỉ đồng.
Trước yêu cầu bồi thường của nữ doanh nhân, nhiều độc giả thắc mắc: "Liệu, bà Phương Hằng có phải trả 1.000 tỷ đồng để bồi thường và việc kiện này bà Giàu có phải mất án phí?"
Để làm rõ những thắc mắc này, mới đây, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) xoay quanh vấn đề pháp lý mà dư luận đang quan tâm.
Danh dự, nhân phẩm cá nhân được pháp luật bảo vệ: Kiện bao nhiêu cũng không mất án phí
Nhận định về sự việc, luật sư Cường cho rằng, đây là vụ kiện khá là hy hữu khi mà số tiền bồi thường về danh dự, nhân phẩm, uy tín lên đến 1.000 tỷ đồng. Bởi từ xưa đến nay chưa có mức bồi thường lớn như vậy liên quan đến nhân phẩm danh dự cá nhân.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân là quyền nhân thân bất khả xâm phạm được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ. Khi có căn cứ cho rằng nó bị người khác xâm phạm thì cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm đó và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình.
Cũng theo luật sư Cường, nguyên đơn có quyền đưa ra con số về yêu cầu bồi thường thiệt hại, có thể 1.000 tỉ hoặc thậm chí là con số cao hơn. Khi xét xử, tòa án sẽ căn cứ vào chứng cứ, tài liệu thu thập được để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu này.
Theo nội dung vụ việc, bà Giàu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trong đó có phần yêu cầu bồi thường do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Về phần này, Bộ luật dân sự năm 2015 liệt kê đó là những thiệt hại như chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và những thiệt hại khác do luật quy định.
Đồng thời, luật sư Cường cho biết, về án phí, theo điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 (quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án) thì người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.
Với quy định này, trong trường hợp khởi kiện liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín như trường hợp của bà Giàu thì không phải chịu án phí sơ thẩm (và không đóng tạm ứng án phí theo quy định về án phí có giá ngạch). Vì vậy, dù nguyên đơn chỉ kiện đòi 10.000 đồng hay đòi 1.000 tỉ đồng thì vẫn không tốn tiền đóng án phí.
Ngoài ra, nếu bị tòa bác toàn bộ đơn khởi kiện hay chỉ chấp nhận một phần thì nguyên đơn vẫn không phải chịu đồng án phí nào đối với phần bị bác. Do đó, nguyên đơn có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường với con số bao nhiêu cũng được mà không bị giới hạn.
Đòi 1.000 tỷ vì bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm liệu có khả thi?
Nhận định về vấn đề này, luật sư Cường cho rằng, dưới góc độ pháp lý, mỗi cá nhân đều bình đẳng với nhau trong việc được pháp luật bảo vệ về uy tín, danh dự, nhân phẩm.
Vì thế, mức bồi thường thiệt hại không thể được xác định từ việc ai đó càng nổi tiếng, càng có sức ảnh hưởng đến một cộng đồng, một doanh nghiệp... Vì thế, để đạt được số tiền bồi thường 1.000 tỷ, bà Giàu cần chứng minh được tổng thiệt hại về tài sản vì hành vi xúc phạm của bà Nguyễn Phương Hằng có giá trị 1.000 tỷ đồng thì mới có thể yêu cầu bà Hằng bồi thường cho mình.
Ví dụ, vì danh dự và uy tín bị xúc phạm mà công việc kinh doanh của bà Giàu bị ảnh hưởng, uy tín sản phẩm kinh doanh bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp bi phá sản...
Nữ doanh nhân Lê Thị Giàu là ai?Bị kiện đòi bồi thường 1.000 tỷ, bà Phương Hằng tuyên bố kiện ngược bà Lê Thị Giàu: "Có 100 bà Giàu kiện tôi, tôi cũng không sợ"
"Còn theo quy định của pháp luật, về bồi thường do tổn thất tinh thần, khoản 2 Điều 592 BLDS cho phép bên có hành vi xâm phạm và bên chịu thiệt hại tự thỏa thuận mức bồi thường. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở", luật sư Cường nhấn mạnh.
Chính vì thế, trong quá trình tòa giải quyết vụ án, giữa nguyên đơn và bị đơn có thể tự thỏa thuận với nhau về mức bồi thường. Đó có thể là vài tỷ, vài trăm tỷ hay ít hơn…
Nhưng nếu hai bên không thỏa thuận được thì tòa sẽ ra phán quyết, cao nhất là 10 tháng lương cơ sở, tức khoảng 14,9 triệu đồng (theo mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng).
Trước đó, TAND quận 1, TP. HCM vừa thụ lý vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Lê Thị Giàu (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Bình Tây) và bị đơn Nguyễn Phương Hằng (Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam).
Theo đó, ngày 14/5, bà Phương Hằng đã livestream "gọi tên" bà Lê Thị Giàu và chùa Phước Sơn. Ngay sau đó, bà Lê Thị Giàu đã làm đơn khởi kiện bà Nguyễn Phương Hằng ra TAND quận 1.
Bà Giàu cho rằng bà Nguyễn Phương Hằng đã xúc phạm danh dự, uy tín của bà khi bịa đặt, vu khống bà "ép bức sư Bửu Chánh - trụ trì chùa Phước Sơn - trả lại tiền và xe cho bà Hằng", "thùng tiền công đức của chùa do bà Giàu quản lý", "bà Giàu là 'doanh nhân siêu lừa đảo', hung dữ, mua tượng Phật và hoa không trả tiền",...
Đồng thời, bà Giàu cũng yêu cầu tòa án buộc bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần cho bà với số tiền 1.000 tỷ đồng.
Theo Minh Khôi (Pháp Luật & Bạn Đọc)