Đến nay, Nhà máy Giấy Lee&Man (giai đoạn 1) đã hoàn thành khoảng 95% công đoạn và có kế hoạch chạy thử nghiệm vào giữa tháng 7. 2016 và chính thức hoạt động sau đó một tháng. Tuy nhiên, theo tài liệu mà phóng viên có được, ĐTM của dự án này được ngành chức năng tỉnh Hậu Giang phê duyệt vào năm 2008 sau khi được Bộ TNMT hỗ trợ, tổ chức thẩm định.
Như vậy, ĐTM được phê duyệt trên cách nay khoảng 8 năm. Sau khi được phê duyệt, do có nhiều ý kiến phản đối cũng như gặp nhiều khó khăn liên quan, dự án đã bị “trùm mền”. Về vấn đề này, ông Chung Wai Fu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam thừa nhận, phía công ty có báo cáo ĐTM vào năm 2008 nhưng “sau đó không hề có bất cứ hoạt động nào”.
Lãnh đạo Công ty TNHH Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam tham quan dự án |
Mặc dù đến năm 2014, dự án có khởi động lại nhưng ĐTM vẫn chưa được phê duyệt lại. “Chúng tôi đi tìm hiểu thị trường, đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến và khởi động lại dự án trong năm 2014” – ông Chung Wai Fu nói.
Dư luận cho rằng, phía công ty trên đã lách luật (?!) hoặc được địa phương quá ưu ái để rồi “bỏ qua, không xem xét tới?!”. Bởi ĐTM là “yêu cầu tiên quyết”, có ĐTM thì mới có đủ điều kiện để dự án đi vào xây dựng nhưng năm 2014, khi khởi động lại dự án, phía công ty không làm lại ĐTM. (Theo Luật Bảo vệ môi trường và các Nghị định hướng dẫn, sau 24 tháng kể từ thời điểm phê duyệt ĐTM nếu không triển khai dự án thì chủ dự án phải lập lại ĐTM - PV).
“Trong ĐTM phải nêu tất cả các loại chất thải, quy trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào, thiết bị, công nghệ sản xuất như thế nào... Đây là việc đầu tiên khi chủ đầu tư thực hiện trong dự án. Nếu không, lỡ nhà máy thải ra chất thải A nhưng xử lý kiểu chất thải B thì sao, ai sẽ chịu trách nhiệm” – PGS- TS Lê Anh Tuấn – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (Trường ĐH. Cần Thơ) nói.
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, dự án đã nhiều thay đổi so với trước, cụ thể phía dự án chỉ xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất 20.000m3/ngày đêm mà không phải là 50.000m3/ngày đêm (Công ty cho rằng quy trình, công nghệ sản xuất hiện đại nên nước thải phát sinh ít hơn so với ĐTM được phê duyệt).
Từ năm 2014-2015, UBND tỉnh Hậu Giang lần lượt phê duyệt các dự án từng phần trong toàn bộ dự án nhà máy giấy: Như nhà máy điện công suất 125MW; bến cảng quốc tế chuyên dùng; nhà máy xử lý nước cấp…Theo lý giải của lãnh đạo công ty thì không làm ĐTM chung cho cả dự án mà làm các dự án thành phần rồi sau đó mới “gom lại” ?!. “Từng hạng mục riêng lẻ đều có phép. Chúng tôi đang tổng hợp lại để có báo cáo ĐTM chung cho toàn dự án”- ông Chung Wai Fu nói.
Lập lờ trong việc dùng xút
Trong công nghiệp giấy chủ yếu xả thải xút (NaOH) là nhiều nhất, đứng hàng thứ hai sau cyanuya, thạch tín. Đây cũng chính là lý do mà người dân, chính quyền địa phương và nhà khoa học vùng ĐBSCL lo lắng nhất. Bởi thông thường, để sản xuất 1 tấn giấy hoặc bột giấy, cần đến 50kg xút làm chất tẩy trong khi đó nhà máy giấy được đặt ở vùng trũng nhất ở ĐBSCL – nơi rất khó rửa trôi khối lượng xút lớn nếu bị thải ra môi trường sông Hậu.
Hệ thống xử lý nước thải Dự án Nhà máy giấy Lee&Man khiến dư luận băn khoăn |
Tuy nhiên, cũng liên quan đến dự án trên, theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang gửi Thủ tướng Chính phủ lại nêu rõ: “Theo báo cáo, công ty cam kết trong giai đoạn sản xuất giấy không sử dụng xút nhưng có sử dụng trong xử lý nước thải với liều lượng cao nhất khoảng 1 tấn/ngày”.
Về vấn đề sử dụng xút của dự án trên, PGS – TS Lê Anh Tuấn - Phó viện Trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường ĐH.Cần Thơ) cho rằng: “Nếu không sử dụng xút thì làm sao tẩy. Có giấy nào được tẩy trắng mà không dùng xút đâu. Nếu công ty nói không sử dụng xút thì phải công khai các hoá chất khác thay thế, còn nếu không công khai được thì là không minh bạch, có sự lập lờ”.
Cũng theo PGS – TS Tuấn, công ty cho rằng không sử dụng xút trong quá trình sản xuất nhưng không có nghĩa là toàn bộ quy trình, nguyên chuỗi (từ khi nhập đến khi thành phẩm, kể cả xử lý nước thải) là không sử dụng. Ngoài ra, công ty chỉ cam kết giai đoạn đầu không sử dụng xút nhưng giai đoạn sau thì họ có thể sử dụng. “Đây có thể là chiêu đánh lừa dư luận” - PGS – TS Tuấn phân tích.
Tham vấn ĐTM sơ sài Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng: Trong ĐTM của dự án Nhà máy giấy Lee&Man cho thấy, ĐTM của dự án trên còn nhiều sơ sài, đặc biệt là việc tham vấn cộng đồng. Cụ thể, nhà đầu tư chỉ gửi văn bản cho UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Hữu A, sau đó thu lại ý kiến bằng văn bản. Nhiều nhà khoa học vùng ĐBSCL còn lo lắng hơn khi trong ĐTM năm 2008 của dự án nhà máy giấy tỷ đô cạnh sông Hậu phần lớn chỉ khảo sát việc ảnh hưởng đối với đất, nhà, hoa màu và hạn chế đề cập cho người dân biết về nguy cơ tác động đối với nguồn nước, thủy sản. |