Vụ ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên kéo dài bao lâu?

18/09/2019 06:37:50

Trước phiên xử, bà Thảo có gửi bản kiến nghị đến báo chí và cơ quan chức năng trong khi ông Vũ không có động thái gì.

Theo dự kiến, hôm nay, 18-9, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (SN 1973) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (SN 1971, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên). Dự kiến phiên tòa kéo dài trong ba ngày.

Chưa có hồi kết?

Theo thông báo triệu tập của tòa phúc thẩm, bà Thảo có năm luật sư bảo vệ, phía ông Vũ có ba luật sư bảo vệ. Ngoài ra, tòa cũng triệu tập nhiều người tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên, Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên. Ngoài ra còn có Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Công ty cổ phần Nguyên liệu thực phẩm Á Châu Sài Gòn…

Bà Thảo và ông Vũ kết hôn hơn 20 năm trước, có bốn con chung. Sau thời gian dài xảy ra nhiều mâu thuẫn, năm 2015 bà Thảo gửi đơn ra tòa xin ly hôn và từ đây cuộc chiến pháp lý ly hôn giữa hai bên kéo dài đến nay chưa có hồi kết.

Sau nhiều năm thụ lý giải quyết, mãi đến tháng 3 vừa qua TAND TP.HCM mới đưa ra phán quyết sơ thẩm. Tuy nhiên, ngay sau đó hai bên kháng cáo và VKS có kháng nghị đối với bản án này. Vì vậy, trước phiên xử phúc thẩm, nhiều chuyên gia về pháp lý cho rằng kết quả phiên xử sắp tới có thể chưa thể kết thúc vụ án. Vì có đề nghị hủy bản án sơ thẩm để xử lại, cũng như giữa cặp vợ chồng này còn rất nhiều vụ kiện tranh chấp liên quan đến thương hiệu, Tập đoàn Trung Nguyên.

Trước đó án sơ thẩm của TAND TP.HCM tuyên chấp nhận cho vợ chồng Trung Nguyên ly hôn, giao các con cho bà Thảo nuôi dưỡng, ông Vũ cấp dưỡng 10 tỉ đồng mỗi năm. HĐXX xác định ông Vũ có công lớn hơn nên được sở hữu 60% tổng tài sản chung của vợ chồng, nắm quyền điều hành Trung Nguyên và có nghĩa vụ trả lại bà Thảo bằng tiền tương ứng với số cổ phần bà sở hữu.

Vụ ly hôn của vợ chồng Trung Nguyên kéo dài bao lâu?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: HY

Vợ chồng kháng cáo, VKS kháng nghị

Sau đó bà Thảo kháng cáo, cho rằng bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Cụ thể, bà cho rằng tại phiên tòa bà đã quyết định rút đơn ly hôn, đáng lẽ tòa phải đình chỉ vụ án để gia đình bà Thảo được đoàn tụ. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm đã… cưỡng ép vợ chồng bà ly hôn.

Trong khi bản án sơ thẩm ghi nhận bà Thảo xác định mâu thuẫn vợ chồng đến nay ngày càng trầm trọng. Hai vợ chồng đã ly thân hơn hai năm nay, tình yêu không còn, mục đích hôn nhân không đạt được. Nếu kéo dài tình trạng hôn nhân sẽ làm cả hai vợ chồng thêm khổ nên đề nghị tòa giải quyết cho ly hôn.

Còn ông Vũ cho biết khi tham gia vụ án với tư cách bị đơn, vì đạo lý vợ chồng, vì trách nhiệm với bốn con và mong muốn bà Thảo thấy được sai lầm của mình nên ông đã không đồng ý ly hôn. Nhưng đến nay, nhận thấy hôn nhân giữa ông và bà Thảo đã lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài…, từ đó ông Vũ đề nghị tòa cho ông được ly hôn. Trên cơ sở này, HĐXX ghi trong bản án “sự thỏa thuận của các đương sự về ly hôn là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với pháp luật nên được chấp nhận”.

Về tài sản chung là cổ phần và phần góp vốn, bà Thảo kháng cáo cho rằng khi tòa tuyên buộc bà phải giao cổ phần được chia của mình cho ông Vũ và nhận tiền là HĐXX đã “tước đoạt” đi tài sản của bà, tước bỏ quyền của một cổ đông có tỉ lệ cổ phần lớn trong Tập đoàn Trung Nguyên.

Đối với vàng, ngoại tệ, tiền mặt tương đương hơn 1.764 tỉ đồng, theo bà Thảo, HĐXX lập luận tiền trong tài khoản là của chung nhưng không thu thập chứng cứ về thời điểm tạo lập, căn cứ tạo lập, không tổ chức hòa giải về yêu cầu phản tố đòi chia khoản tiền này của ông Vũ. Vì vậy, việc tòa giải quyết yêu cầu chia khoản tiền hơn 1.764 tỉ đồng là bất chấp quy định. Ngoài ra, việc HĐXX sơ thẩm xác định tỉ lệ phân chia tài sản ông Vũ 60%, bà Thảo 40% là không khách quan, thiên vị một bên và phủ nhận công sức đóng góp của bà Thảo trong việc điều hành Tập đoàn Trung Nguyên…

Ngược lại, ông Vũ chỉ kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét, phân chia tài sản theo tỉ lệ 70% (ông Vũ) và bà Thảo 30% đối với phần tài sản là cổ phần, phần góp vốn của cả hai tại Trung Nguyên, tài sản là tiền, vàng… hơn 1.764 tỉ đồng.

VKSND TP.HCM cũng có kháng nghị dài 16 trang về hơn 10 vấn đề liên quan đến bản án sơ thẩm và đề nghị cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Kiến nghị của bà Thảo trước phiên phúc thẩm

Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, nguyên đơn là bà Thảo có gửi văn bản kiến nghị đến một số cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan chức năng. Theo đó, bà đề nghị báo chí không đăng tải những thông tin liên quan đến quyền nhân thân; những ngôn từ bình luận xúc xiểm, trích dẫn những lời nói lăng mạ, xúc phạm danh dự bà từ phía ông Vũ tại phiên tòa, trong các cuộc phỏng vấn cũng như các văn bản một chiều... Đồng thời, bà Thảo cũng đề nghị báo chí không đăng tải những thông tin liên quan đến tranh chấp khi chưa có phán quyết chính thức của HĐXX, những thông tin một chiều từ phía Trung Nguyên.

Trong văn bản bà nhấn mạnh đến yêu cầu không “đăng tải những thông tin làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và danh dự của tôi, và tác động đến kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, tôi sẽ có yêu cầu xử lý bằng pháp luật”. Trong khi phía bị đơn là ông Vũ hiện chưa có động thái gì đặc biệt trước phiên xử.

Theo Hoàng Yến (Pháp Luật TP.HCM)

Nổi bật