"Bài học đau xót", bà Khánh nhiều lần dùng cụm từ này để nói về vụ việc Khaisilk bán hàng nguồn gốc Trung Quốc, giả danh thương hiệu Việt.
Cá nhân bà thì tiếc rằng mình đã không đeo đuổi vấn đề và lên tiếng sớm hơn.
"Tôi cũng được tặng nhiều sản phẩm Khaisilk nhân dịp này, dịp khác..., cũng không tin lắm, nhưng chưa bao giờ đi sâu tìm hiểu, và cũng coi như bình thường. Nếu mình quan tâm theo đuổi, lên tiếng thì đã khác", bà nói.
"Thà mất một doanh nghiệp Khaisilk"
Vị Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội này đặt câu hỏi về việc Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã ở đâu khi xảy ra những vụ việc như thế này.
"Cần phải xem Hội Bảo vệ người tiêu dùng mọc ra rồi hoạt động như thế nào. Nếu Hội còn hoạt động thì chúng ta cũng cần phải lên tiếng để họ hành động. Còn nếu họ không có hành động gì thì chúng ta cũng không cần sự tồn tại của Hội”, đại biểu Khánh nói.
Bà cho rằng Hội Bảo vệ người tiêu dùng chưa bao giờ có hoạt động nào để chứng minh họ đang… tồn tại, ngoài vụ việc công bố kết luận về chất lượng nước mắm năm 2016.
Ngoài ra, để xảy ra vụ việc này cơ quan như quản lý thị trường cũng cần có trách nhiệm.
"Họ đã ở đâu để ông Hoàng Khải mua 30 năm? Đó là sự thật. Nếu việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên thì đã không xảy ra vi phạm đến mức đó", bà Khánh nói.
Bà cũng cho rằng có thể từ trước đến nay cơ quan này cho rằng đây không phải là vấn đề gây chết người như an toàn thực phẩm, hoặc cũng có thể họ tin tưởng Khaisilk là doanh nghiệp lớn, nên không kiểm tra.
“Đây cũng là vụ việc cảnh báo các ngành chức năng không được chủ quan. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra thường xuyên thì người ta cũng không đến mức vi phạm như vậy. Đây là bài học để các ngành chức năng phải chấn chỉnh”, bà Khánh nói.
Cơ quan chức năng, nhất là cơ quan điều tra cần làm rõ ông Khải đã làm việc này từ bao giờ, mức độ như thế nào. Mua bán gì cũng đều có sổ sách ghi chép, cần xem lại, và truy nộp công quỹ.
"Cần xử lý nghiêm để răn đe. Chúng ta có thể mất hẳn doanh nghiệp này nhưng cứu được doanh nghiệp khác", bà nói.
Người dùng đã mất niềm tin
Theo bà, chính việc người tiêu dùng như bà không lên tiếng khiến doanh nghiệp thấy "ngon ăn" quá, tiền bất chính giúp họ ăn nên làm ra, tưởng mình đúng. Kết cục là vụ việc đổ vỡ.
"Vụ việc Khaisilk bán hàng Trung Quốc làm mất hẳn thương hiệu lụa tơ tằm Việt Nam. Người ta mất lòng tin rồi.
Đó là một con sâu làm rầu nồi canh, chúng ta phải xử lý nghiêm minh để có tính răn đe cho các doanh nghiệp khác, nếu đang làm điều tương tự - có hành vi lừa dối khách hàng, thì dừng lại", bà nói.
Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 này, việc ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa là số 1. Doanh nghiệp không có lý do để làm ăn gian dối. Nếu muốn khai thác và đứng vững trên thị trường chúng ta trước hết phải có cái tâm phục vụ, với sự thật thà, chung tay, chấp nhận bước đi có thể khó khăn nhưng bền vững giá trị.
Bà Khánh cho rằng các doanh nghiệp muốn đứng vững phải xác định tâm thế "gieo nhân lành mới mong hái quả ngọt. Nếu chọn con đường kinh doanh bằng tàn phá tài nguyên, môi trường, làm ăn gian dối, lợi mình hại người, thì sớm muộn cũng phải trả giá như Khaisilk".
Theo An An (Tri Thức Trực Tuyến)