Vụ Khaisilk: Chối tội, nhận lỗi, đổ lỗi và chạy tội?

31/10/2017 17:34:00

Trong cơn khủng hoảng bán hàng “made in China”, những thông tin cung cấp mâu thuẫn nhau của ông chủ thương hiệu Khaisilk đang bị đặt vấn đề về ý đồ chạy tội.

3 thời điểm khác nhau, bối cảnh khác nhau và thông tin của ông Hoàng Khải, Chủ tịch tập đoàn Khaisilk cũng khác nhau. Từ chối tội đến thừa nhận rồi đổ lỗi, diễn biến trong phần trả lời của ông chủ Khaisilk đang đặt ra câu hỏi lớn về ý đồ chạy tội của đại gia này.

Những thông tin bất nhất

Khoảng một tuần trước, Công ty V. là khách hàng quen thuộc Khaisilk bất ngờ phát hiện lô hàng khăn lụa mua từ Khaisilk sản phẩm vừa có mác "made in China" lại vừa có mác "made in Vietnam". Một số sản phẩm khác nữa trong lô hàng thì chỉ có thương hiệu Khaisilk nhưng mác "made in China" đã bị cắt bỏ.

Thông tin này nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội. Ở thời điểm sự bức xúc của cộng đồng mạng được đẩy lên cao trào, đại diện cửa hàng cũng cứng rắn khẳng định chất liệu khăn được làm từ 100% lụa tơ tằm. Về việc có gắn mác với nội dung “made in China”, vị này cho biết nhân viên kho đã nhầm lẫn khi soạn lô khăn tay thuộc mẫu 55 x 55 cm.

Nhân viên bộ phận kho khi soạn lô 60 khăn cho đơn hàng, do bị thiếu một chiếc đã lấy ngay trên máy may đang sản xuất khăn cho một khách hàng khác mà không kiểm tra kỹ. Đơn hàng bị lấy nhầm lại đang sản xuất 350 chiếc cho một khách hàng khác ở Hong Kong. Việc may nhãn mác “made in China” là theo yêu cầu của khách hàng.

Vụ Khaisilk: Chối tội, nhận lỗi, đổ lỗi và chạy tội?

Đứng trước bức xúc của cộng đồng mạng, ông chủ Khaisilk vẫn quyết định im lặng.

Tuy nhiên đến khi truyền thông vào cuộc thì ông Hoàng Khải quyết định lên tiếng sau hàng loạt lùm xùm về một chiếc khăn có 2 nhãn mác "made in China" và "made in Vietnam". Trả lời PV, ông Hoàng Khải thừa nhận thương hiệu Khaisilk bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.

Doanh nhân này thừa nhận hiện nay nguồn tơ lụa trong hệ thống của Khaisilk là nhập khẩu 50%. 50% còn lại nhập từ các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam, chủ yếu là làng Nha Xá (Hà Nam). Cách thức trên được duy trì gần 30 năm nay trong toàn bộ hệ thống của hàng Khaisilk.

Với động thái đó, bên cạnh những ý kiến phản đối việc làm của ông Khải thì cũng có một số người ghi nhận sự dũng cảm của doanh nhân này khi dũng cảm đối diện với sự việc nhập hàng Trung Quốc về kinh doanh. Tuy nhiên, mọi việc lại bắt đầu xoay chiều khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

Tại thời điểm cơ quan Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thu Nga, chủ hộ kinh doanh của cửa hàng Khaisilk, khai rằng việc bán hàng Trung quốc là do nhân viên tự nhập hàng về bán. Bà Nga khẳng định cửa hàng này chuyên bán các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất.

“Do sơ suất trong quản lý và nhu cầu ngày 20/10 tăng đột biến nên nhân viên nhập hàng Trung Quốc trên thị trường về thay nhãn mác Việt Nam rồi bán cho khách hàng”, bà Nga khai.

Từ việc chối tội, nhận lỗi rồi đổ tội cho nhân viên của các cấp quản lý Khaisilk đã đặt ra nghi vấn về mưu đồ chạy tội của tập đoàn này trước những hành vi sai trái.

Doanh nghiệp đang ngụy biện, chối quanh

Lời khai không đồng nhất ở nhiều thời điểm khác nhau khiến nhiều luật sư cho rằng việc loanh quanh đó chứng tỏ doanh nghiệp đang ngụy biện để né tránh những vi phạm mà mình mắc phải.

Bởi lẽ khi chuyển qua cơ quan điều tra thì vụ việc không còn dừng lại ở lô hàng 60 chiếc khăn mà đã là một quá trình dài kinh doanh gian lận, trong đó bao gồm các vấn đề liên quan đến thuế, nguồn gốc hàng hóa…


 Theo luật sư, với việc Khaisilk bán hàng xuất xứ Trung Quốc từ nhiều năm là có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

Luật sư Phạm Đình Bắc, đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết lời khai khác nhau có thể đến do bối cảnh sự việc khác nhau. Có thể ban đầu doanh nghiệp này chưa xác định được mức độ nghiêm trọng của vụ việc nên lời khai mang tính chất chiếu lệ. Tuy nhiên, khi sự việc được xác định nghiêm trọng thì các đơn vị tư vấn sẽ hướng dẫn cho họ khai những gì có lợi nhất.

Trong khi đó, chuyên gia thị trường Trần Việt Tiến cho rằng chưa phải là lời khai chính thức với cơ quan điều tra nhưng đây được xem là sự ngụy biên của doanh nghiệp trước dư luận. Việc đổ lỗi cho nhân viên là thiếu cơ sở vì cửa hàng kinh doanh tư nhân không thể giao quyết định nhập hàng cho nhân viên bán hàng vì liên quan đến rất nhiều chứng từ.

Vụ Khaisilk: Chối tội, nhận lỗi, đổ lỗi và chạy tội? - 1

“Nếu không có sự đồng thuận của cấp quản lý thì không nhân viên nào dám làm việc này", ông Tiến khẳng định.

Các luật sư cũng cho biết cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án hình sự nếu Khaisilk có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này.

Trước đó, chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng việc Khaisilk giải thích nguyên nhân do nhân viên tự ý mua sản phẩm khăn lụa về cắt nhãn gốc sau đó khâu nhãn "made in Vietnam" để bán "không khác gì câu chuyện cái gì cũng đổ cho cậu đánh máy".

Theo ông, dù muốn giải thích thế nào, dù là đổ lỗi cho cấp dưới thì cũng là "không chấp nhận được". Điều này không tương xứng với danh hiệu, thương hiệu. Ông nói: "Thương hiệu càng lớn thì càng phải chuyên nghiệp. Và ông chủ phải là người phải chịu trách nhiệm cao nhất".

Hành vi bán hàng "made in China" của Khaisilk được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận xét là "không thể chấp nhận được". Ông cho biết thông tin này không tốt, nhất là khi chúng ta đang có chủ trương khuyến khích phát triển doanh nghiệp và hàng hóa trong nước. 

Ông cũng cho rằng cửa hàng Khaisilk của ông Hoàng Khải bán hàng Trung Quốc dưới mác Khaisilk made in Vietnam "là làm giảm uy tín chất lượng của hàng hóa Việt Nam".

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng chia sẻ quan điểm về vụ việc bên hành lang Quốc hội ngày 31/10. Ông nói khi có báo cáo tổng hợp về vụ việc, trong đó có báo cáo từ các đơn vị liên quan của Bộ, thêm các thông tin, dấu hiệu, chứng cứ thì các hành vi của Khaisilk cũng như cửa hàng kinh doanh là nghiêm trọng.

Hành vi đó bao gồm việc làm giả nhãn mác cho các sản phẩm nhập từ nước ngoài, lừa dối và gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh khác nhau. Bộ Công Thương cũng nhận thấy có sự phức tạp trong mối liên hệ giữa Tập đoàn Khaisilk với các cửa hàng trực thuộc trong kinh doanh sản phẩm dùng nhãn mác giả nên cần có lực lượng chức năng để làm rõ mức độ vi phạm hình sự của hoạt động kinh doanh này. 

Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật