Bộ Tài chính vừa công bố kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ qua mô hình ngân hàng tham gia cung cấp các sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng thông qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ngân hàng (kênh bancass), gồm: Prudential, MB Ageas, BIDV Metlife và Sunlife.
Tại thông báo kết luận thanh tra, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua xuất hiện tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tín dụng. Năm 2022, lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Kết quả thanh tra cho thấy, tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, kênh bancass chiếm tới 50% số lượng hợp đồng và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ mới. Tuy nhiên, do bị ép buộc nên sau năm đầu tiên, tỷ lệ huỷ hợp đồng của khách hàng lên tới 70%. Hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng vay vốn ngân hàng “trôi theo” hợp đồng bảo hiểm mất hiệu lực. Nhiều khách hàng đành xem việc mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ năm đầu tiên như “chi phí” để thủ tục vay vốn thuận lợi.
Tại Prudential Việt Nam, năm 2021 doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass gần 6.200 tỷ đồng. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancass đạt 3.700 tỷ đồng, tương đương gần 55% doanh thu phí khai thác mới. Điều này cho thấy, hơn một nửa khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm mới trong năm 2021 của Prudential qua ngân hàng.
Prudential cũng phát hành hơn 94.000 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass trong năm 2021. Tuy nhiên sau năm đầu tiên, có tới 41% khách hàng huỷ hoặc mất hiệu lực hợp đồng. Như vậy, có khoảng 38.000 hợp đồng bảo hiểm của khách hàng vay vốn đã huỷ hợp đồng bảo hiểm sau khi được giải ngân khoản vay. Đối chiếu với khoản doanh thu phí từ kênh bancass, khách hàng đã “mất” khoảng 2.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng bán bảo hiểm của Prudential gồm: Ngân hàng TMCP Quốc Tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải, Ngân hàng TMCP Đại Chúng, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín, Ngân hàng TNHH MTV United Overseas, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam.
Tại Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass đạt gần 4.500 tỷ đồng, tương ứng 78% tổng doanh thu phí. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh bancass đạt 2.820 tỷ đồng, tương đương 74% khai thác mới.
MB Ageas phát hành mới hơn 66.700 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass. Tuy nhiên, trong đó có gần 4.000 hợp đồng bị huỷ trong thời gian cân nhắc. Sau năm đầu tiên, có 32,4% hợp đồng bảo hiểm mới qua kênh bancass bị huỷ.
MB Ageas chủ yếu bán bảo hiểm qua Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội và Công ty tài chính TNHH MB Shinsei (hay Công ty tài chính M.Credit).
Đối với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, dù chỉ bán bảo hiểm qua Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhưng doanh thu phí bảo hiểm của kênh bancass chiếm tới 99,2%, tương đương 1.553 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới triển khai bán thông qua ngân hàng đạt 452 tỷ đồng, chiếm 98,3% tổng doanh thu phí khai thác mới.
Với hơn 21.000 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass, sau năm đầu tiên có tới 39,4% khách hàng huỷ hợp đồng. Như vậy, sau năm đầu tiên, khách hàng mua bảo hiểm với khoản phí khoảng 178 tỷ đồng phí bảo hiểm đã huỷ hợp đồng.
Năm 2021, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam có doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancass đạt 2.038 tỷ đồng, tương ứng 61,15% tổng doanh thu phí.
Doanh thu khai thác mới qua kênh bancass đạt 1.907 tỷ đồng, tương ứng 82,27% doanh thu phí khai thác mới. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm qua Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt 1.248 tỷ đồng (chiếm 61,26%) và tổng doanh thu phí bảo hiểm qua Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) đạt 789 tỷ đồng (chiếm 38,74%).
Năm 2021, Sun Life phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass. Tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau năm thứ nhất của các hợp đồng phát hành qua TPB đạt 73%, qua ACB ở mức 39%.
Theo Quỳnh Nga (Tiền Phong)