"Cháy nhà ra mặt chuột”
Ngày 5/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các đồng phạm, về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ tháng 7/2021-3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, dùng 3 công ty thành viên và các công ty liên quan phát hành 9 đợt trái phiếu DN trái quy định pháp luật, trị giá 10.300 tỷ đồng. Việc này nhằm huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Với vụ án này, cơ quan điều tra sẽ phải tiếp tục làm rõ số tiền huy động vốn, được các bị can sử dụng trái phép vào mục đích gì. Các khoản tiền này đang ở đâu, đã được chuyển hóa thành các loại tài sản nào.
Trước đó, cuối năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) qua kiểm tra phát hành trái phiếu DN tại Công ty cổ phần Tập đoàn VsetGroup (107 Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM) cho thấy những dấu hiệu bất thường, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư.
Cụ thể VsetGroup đã ký 678 hợp đồng mua bán trái phiếu từ ngày 1/1/2020 đến 27/10/2021, với tổng giá trị hơn 208,6 tỷ đồng, nhưng không cung cấp các hợp đồng đã ký theo yêu cầu của đoàn kiểm tra. Cùng với đó, VsetGroup không cung cấp được hồ sơ, tài liệu liên quan đến sử dụng số tiền thu được phát hành trái phiếu. Đặc biệt, VsetGroup không theo dõi, hạch toán trên Báo cáo tài chính tại thời điểm ngày 31/12/2020 và 30/6/2021, đối với các khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu, trả lãi vay trái phiếu, trả gốc vay trái phiếu đến hạn. Không những thế, các khoản tiền thu được từ phát hành trái phiếu, còn được các cá nhân rút ra khỏi tài khoản của công ty và không được nhập quỹ đầy đủ, không được theo dõi trên sổ sách kế toán của công ty.
Giới chuyên môn đã từng cảnh báo, để huy động vốn qua ngân hàng, DN phải có tài sản đảm bảo, phải có dự án và phương án kinh doanh có hiệu quả, phải chịu sự giám sát chặt chẽ về giải ngân… Trong khi phát hành trái phiếu DN riêng lẻ không cần tài sản đảm bảo, chẳng cần phải bảo lãnh. Tiền thu về sử dụng như thế nào, có đúng mục đích không, hoàn toàn do DN tự quyết định, không bị giám sát. Điều kiện phát hành dễ dãi, lại không bị kiểm soát nên việc sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu DN vào mục đích khác là không tránh khỏi.
Mất niềm tin
Thời gian qua, không ít DN đẩy mạnh phát hành trái phiếu với giá trị lớn. Nhiều người đặt câu hỏi, không rõ sau khi huy động thành công số tiền khổng lồ đó, các DN sử dụng như thế nào, có đúng như mục đích phát hành hay không?
Với lĩnh vực bất động sản, tại một diễn đàn đầu tư gần đây, một chuyên gia đã chia sẻ câu chuyện, có DN huy động vài ngàn tỷ đồng trái phiếu, song chỉ vài trăm tỷ đồng được giải ngân đúng mục đích là cung cấp cho dự án, còn lại dùng tiền để trả nợ ngân hàng, mua dự án đất nông nghiệp… sau đó là hạch toán lỗ.
Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim cho rằng, cũng giống như Trung Quốc, trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam, có không ít DN "thổi giá", "vẽ" dự án. Có những DN gọi vốn hàng nghìn tỷ đồng qua trái phiếu nhưng chỉ chi vài trăm tỷ cho các dự án, còn lại là trả nợ và đầu tư vào những thứ khác… và cũng không loại trừ có những trục lợi cá nhân.
Chính vì vậy, đầu tháng 9/2021, Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo UBCKNN đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu DN. Bộ này nhấn mạnh: “Tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các DN có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu DN. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật”.
Đến đầu tháng 12/2021, Văn phòng Chính phủ lại ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP, về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu DN, trong đó có chỉ đạo Bộ Công an, phối hợp với các cơ quan có liên quan, nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có), để xử lý nghiêm theo đúng quy định.
Việc thanh, kiểm tra đã phát hiện ra những bất thường từ các DN phát hành trái phiếu, mà Tân Hoàng Minh là một minh chứng. Nếu hoạt động thanh kiểm tra được đẩy mạnh, chắc chắn sẽ còn không ít những sai phạm từ phát hành trái phiếu DN thời gian qua lộ ra. Câu hỏi đặt ra là sau Tân Hoàng Minh sẽ đến DN nào bị gọi tên?
Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại rằng, càng phát hiện ra nhiều tiêu cực thì càng ảnh hưởng xấu tới thị trường trái phiếu DN. Những vụ chiếm đoạt hoặc lừa đảo tiền của nhà đầu tư, càng bị phát hiện nhiều, có thể làm lây lan nỗi sợ hãi và khiến niềm tin dành cho thị trường trái phiếu DN sụt giảm nghiêm trọng.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)