Chia sẻ với PV xung quanh việc Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia mới đây kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế huy động vàng và USD trong dân vào sản xuất kinh doanh, các chuyên gia từ Hiệp hội Vàng và nhà kinh tế độc lập có đánh giá thận trọng, một số hoài nghi về việc hiệu quả thực hiện.
Vốn Nhà nước đã thất thoát, quản lý vàng của dân ra sao?
Theo vị đại diện Hiệp hội vàng kể trên, vấn đề cơ bản nhất hiện nay là người dân không tin là Nhà nước sử dụng vàng của họ có trả lại được cho họ hay không bởi họ đã nhìn thấy tiền vốn nhà nước bị thất thoát, bị tham nhũng làm phương hại đến hiệu quả đầu tư ở các dự án. Những thất bại đó đã gây tổn thất lớn cho nền kinh tế dẫn đến khi đề cập đến gửi vàng cho Nhà nước, ai cũng có tâm lý e ngại.
Đề án huy động vàng trong dân tiếp tục được đưa ra nhưng những có nhiều vấn đề mà dư luận vẫn băn khoăn về tính hiệu quả và thực tiễn |
"Ở góc độ vĩ mô, nếu triển khai và huy động được vàng trong dân thì trước hết phải minh bạch các dự án đầu tư hay minh bạch trong việc sử dụng vốn từ vàng của dân để chí ít cũng cho người dân tin tưởng, hưởng ứng", đại diện Hiệp hội vàng cho biết.
Đại diện của Hiệp hội vàng kiến nghị: "Việc huy động vàng là vấn đề rất lớn, Việt Nam chưa làm nhưng quốc tế đã làm rồi, theo quan điểm của Hiệp hội nên học Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc mời các chuyên gia hàng đầu có kinh nghiệm của Hội đồng vàng thế giới đến giúp".
Về các số liệu để tính toán hiệu quả của đề án huy động vàng, chúng ta phải điều tra cụ thể, vì đây là số liệu liên quan đến đầu vào là chuyển đổi loại vàng nào? Ví dụ như vàng miếng SJC 99.99 hay vàng nhẫn tròn trơn 99.9% mà hiện nay nhiều DN đang kinh doanh, mua bán với dân hay vàng trang sức 75% trở lên?
"Có thực tế hiện các nhà vàng lớn ở Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn đang mua bán vàng nguyên liệu nhập khẩu 99.99% không chính thống số lượng rất nhiều và số lượng người dân có loại vàng này cũng không ít vì giá vàng thỏi nguyên liệu 1kg loại 99.99% này chênh lệch so với giá vàng quốc tế rất ít, mà việc nhập lậu không kiểm soát được", vị chuyên gia nói.
Vì vậy, theo Hiệp hội vàng, để có bài toán chính xác thì phải đánh giá đúng các loại vàng trong dân là những loại gì và liệu loại nào là khi nhận vàng của dân chúng ta kiểm tra, kiểm soát được chất lượng để đánh giá đúng giá trị của nó không thiệt cho người dân mà cũng không bị rủi ro cho Nhà nước.
Vàng là nơi trú ngụ, rất khó hút ra
Đánh giá đề án huy động vàng trong dân lần thứ 2 được đưa ra, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT tỏ ra khá hoài nghi.
"Dù mục đích của chủ trương này đưa ra trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho đất nước đang cấp bách. Tuy nhiên, nếu không làm rõ được hiệu quả kinh doanh vốn của người dân. Tôi không hy vọng vào việc Nhà nước có thể huy động được vàng của dân để làm động lực phát triển kinh tế".
Ông Hồ nói thêm: Vì huy động vàng chính là một công cụ hành chính, ở đó người dân tự nguyên thì làm được nhưng Nhà nước áp đặt mệnh lệnh hành chính thì sẽ không huy động được.
“Thay vì Nhà nước huy động vàng trong dân để sản xuất, sao không có cách thức để cho dân không muốn giữ vàng nữa, bởi nó không có lãi, phải thay vì đầu tư vào vàng, bằng việc bán vàng để gửi tiết kiệm. Gửi vàng giá cao người ta mới gửi, người ta sẽ không bỏ vàng ra mua trái phiếu của Chính phủ”, TS Hồ nói.
Đồng quan điểm với TS Hồ, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Đại học Fulbright Việt Nam nói: "Tôi phản đối hoàn toàn bởi không có cách nào để Nhà nước đứng ra huy động vàng của dân, bởi lẽ một khi người dân đã mua vàng và cất trữ, tôi mua vàng là tôi bảo vệ giá trị, tôi chịu hy sinh để bảo vệ nguồn lực nằm không ở đó".
"Về nguyên lý kinh tế, chúng ta không thể lấy nó ra lại được, lại vừa sử dụng nguồn huy động đó vào phát triển vừa có cam kết bảo vệ giá trị của nó được", chuyên gia Thành nói.
Là đơn vị được tham gia vào đề án trên, ông Nguyễn Tất Thái, Quyền Trưởng ban, Ban Giám sát các Tập đoàn Tài chính, Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia nói: Theo kế hoạch đề án sẽ đưa ra các Hội đồng, sau đó đưa ra Tổ tư vấn của Thủ tướng để báo cáo trước khi đệ trình Chính phủ. Hiện nay, chúng tôi cũng đang tổng hợp các ý kiến thôi, chưa trình Chính phủ.
Ông Thái chia sẻ, ngay cả Hội đồng tư vấn cũng mới họp hôm 1/7, Ngân hàng Nhà nước là đầu mối cũng chỉ tổng hợp ý kiến sơ bộ chứ chưa có động thái làm sâu hơn. "Có nhiều nước đã huy động được vàng, nhiều người lo sợ huy động sẽ nảy sinh ra vàng hóa, nhưng hiểu thế nào là vàng hóa, phải làm rõ cái đó. Vàng có cách tiếp cận khác nhau, nếu vàng đầu tư thì nó là tiền, còn là tài sản tích trữ như nữ trang thì không tham gia vào phương tiện thanh toán", ông Thái nói.
Theo Nguyễn Tuyền (Dân Trí)