Cựu tổng giám đốc tập đoàn Volkswagen, Martin Winterkorn - REUTERS /Michaela Rehle |
Vụ tai tiếng Volkswagen dường như vẫn chưa tới hồi kết. Cổ phần của tập đoàn Đức đã mất tới 42% từ 168 euro nay chỉ còn 97 euro. Báo Le Monde ngày 10/11/2015 đăng bài phân tích nguyên nhân, theo đó vụ tai tiếng Volkswagen bắt nguồn từ điều mà tờ báo này gọi là ‘‘văn hóa sợ hãi’’.
Ngày càng có nhiều kỹ sư và chuyên viên thú thật họ đã có hành vi gian lận vì không thể thực hiện được những chỉ tiêu do ban giám đốc áp đặt, RFI đưa tin.
Le Monde trích dẫn tờ báo Bild cho biết, các chuyên viên kỹ thuật làm việc cho tập đoàn Volkswagen thừa nhận họ đã gian lận kiểm tra phát thải xe hơi cũng như về lượng tiêu thụ nhiên liệu của động cơ từ năm 2013 cho tới mùa xuân năm 2015. Điều đó có nghĩa là vụ gian lận này không chỉ liên quan tới các loại xe cũ, mà luôn cả các kiểu xe mới, vừa được lắp ráp hồi đầu năm 2015.
Câu hỏi mấu chốt đặt ra là nếu như không làm được thì tại sao họ lại không nói với cấp trên? Để hiểu được điều này thì có lẽ ta phải nhìn vào cung cách điều hành của ban giám đốc.
Theo Le Monde, sở dĩ các kỹ sư buộc phải gian lận là vì dù có tài cách mấy, họ vẫn không thực hiện những mục tiêu đầy tham vọng do ban giám đốc đề ra. Ông Martin Winterkorn lên làm Tổng giám đốc Volkswagen từ năm 2007, đến cuối tháng 10/2015, ông bị buộc phải từ chức do vụ tai tiếng. Vào năm 2012, ông Martin Winterkorn đã cam kết trong vòng ba năm, Volkswagen sẽ giảm 30% lượng phát thải khí CO2 trên các kiểu xe do tập đoàn này sản xuất.
Vấn đề ở đây, theo các chuyên gia, Volkswagen giống như là một nền ‘‘quân chủ chuyên chế’’, cấp trên ban hành những chỉ tiêu mà cấp dưới buộc phải tuân thủ thực hiện, chứ không thể bàn thảo hay xem xét lại tính khả thi. Cung cách điều hành theo kiểu áp đặt này lâu ngày tạo ra một tư duy ‘‘phục tùng’’, cấp dưới phải làm bằng mọi giá để đạt mục tiêu, chứ không hề có chuyện cãi lại lệnh trên.
Cấp trên ban lệnh, cấp dưới phục tùng
Truyền thống ấy, theo Le Monde, đã có từ hơn hai thập niên nay trong tập đoàn Volkswagen. Vào những năm 1990, ông Ferdinand Piech nổi tiếng là một vị tổng giám đốc điều hành với bàn tay sắt thép. Dù có gặp khó khăn, không ai dám lên tiếng bày tỏ vấn đề với ông. Người kế vị là ông Martin Winterkorn, một người chuyên nổi cơn thịnh nộ, áp dụng cách thức điều hành công ty do người tiền nhiệm vạch ra.
Cánh tay phải của ông là giám đốc tài chính Hans Dieter Potsch. Cả hai nhân vật này không chấp nhận bất cứ lời chỉ trích nào trong các cuộc họp. Do vậy, dù khó khăn cách mấy, ban kỹ sư vẫn phải tìm cách xoay sở, thà phải làm việc thêm, thà cắn răng chịu đựng áp lực, còn hơn là hứng trận lôi đình của ban giám đốc, còn hơn là họ bị cho thôi việc.
Với tân giám đốc Matthias Muller, không khí giờ đây có vẻ thông thoáng cởi mở hơn. Tờ báo Bild cho biết chính cũng vì không còn chịu đựng nổi áp lực, mà một số chuyên viên kỹ thuật đã lên tiếng báo động về những điều bất thường trong tập đoàn Volkswagen.
Theo giới điều tra nội bộ, nhiều lời chứng có tác động giải tỏa tâm lý, một số chuyên viên tuy vẫn còn sợ, nhưng khi thú nhận họ cảm thấy đã trút đi được phần nào gánh nặng. Hiện có khoảng 10 kỹ sư dính líu vào vụ gian lận kiểm tra phát thải xe hơi, nhưng mức độ có thể còn nghiêm trọng hơn nữa, do việc thu thập lời chứng chỉ mới ở giai đoạn đầu.
Cho tới giờ, chưa có ai dám quả quyết là mọi chuyện đã được làm sáng tỏ hay là trong thời gian tới người ta sẽ lại phanh phui thêm nhiều vụ bê bối khác. Theo các chuyên gia, trong đó có bà Mary Nichols, thuộc cơ quan kiểm soát tài nguyên và chuyên trách về các vấn đề ô nhiễm không khí bang California, thì mức độ tác hại có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Theo Tuấn Thảo (BizLIVE.vn)