Mở cửa phiên giao dịch 12/1, cổ phiếu CII của Công ty Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, trùm đất Thủ Thiêm CII giảm sàn với dư bán lên tới trên 17 triệu đơn vị. Cổ phiếu CII giảm 3.900 đồng (-7%) xuống 52.700 đồng/cp.
Đêm qua (11/1), Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh ông Đỗ Anh Dũng có tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Theo đó, Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc lô đất đấu giá 2,4 tỷ đồng/m2 ở Thủ Thiêm.
Theo giải thích, hành động này nhằm đảm bảo một phần sự ổn định thị trường kinh doanh bất động sản bởi kết quả đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng một m2 đất có thể dẫn đến những hệ luỵ không tốt cho thị trường.
Trước đó, ngày 10/12, Lô đất 3-12 ở Thủ Thiêm được Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) trúng thầu giá 24.500 tỷ đồng và đã đặt cọc 588,4 tỷ đồng. Một tuần sau đó, Tân Hoàng Minh đã ký hợp đồng mua bán với các cơ quan chức năng TP HCM.
Ngay sau khi Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất kim cương nói trên, giá đất tại Thủ Thiêm và nhiều khu vực xung quanh tăng mạnh. Giá cổ phiếu bất động sản liên quan tới Thủ Thiêm hoặc không cũng vào một đợt sóng tăng giá.
Hiện tượng đất sốt chưa từng có đã giúp trùm đất vàng Thủ Thiêm CII có thêm 9.000 tỷ. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, từ đầu 12/2021, cổ phiếu CII của Công ty Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã tăng khoảng gấp đôi lên 54.200 đồng/cp, đưa vốn hóa tăng tương ứng lên gần 13 nghìn tỷ đồng. Nếu tính trong 4 tháng qua, cổ phiếu này tăng gấp hơn 3 lần. Vốn hóa tăng thêm khoảng 9.000 tỷ đồng.
CII là một doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng và gần đây đầu tư nhiều vào bất động sản. Doanh nghiệp này có "đất kim cương" ở khu Thủ Thiêm, nơi vừa ghi nhận giá lên tới 2,44tỷ/m2 trong phiên đấu giá Tập đoàn Tân Hoàng Minh quyết chi hơn tỷ USD cho 10 nghìn mét vuông hôm 10/12 vừa qua.
CII đã được giao khoảng hơn 90 nghìn mét xuống đất sử dụng ổn định lâu dài và hơn 6 nghìn mét vuống đất sử dụng 50 năm (để xây dựng văn phòng). Đây đều là những khu đất đẹp, dọc bờ sông, công viên, và trục đường Bắc Nam, tiếp giáp với cầu Thủ Thiêm 1.
Mặc dù nắm giữ quỹ đất vàng rất lớn và triển khai nhiều dự án nổi bật nhưng CII ghi nhận lợi nhuận khiêm tốn: chỉ hơn 520 tỷ trong 20219 và 472 tỷ trong 2020 và giảm sút trong quý III/2021 do tác động của dịch Covid -19 khiến nhiều hoạt động bị tạm dừng.
Làn sóng tăng giá kéo nhiều cổ phiếu bất động sản tăng mạnh theo diễn biến giá đất như: NBB, DXG, PDR, SSH, NVT… Bộ 3 nhóm Vin của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng bứt phá trong tuần đầu năm mới 2022.
Nhóm FLC của ông Trịnh Văn Quyết như FLC, HAI, KLF, AMD cũng tăng mạnh, gấp vài ba lần trong một thời gian ngắn.
Nhiều mã bất động sản và xây dựng khác cũng ghi nhận chuỗi ngày tăng trần như CTD, DXG, HAR, ITA, OGC, QCG, SCR, VNE, VPH, L14…
Sau thông tin Tân Hoàng Minh đêm 11/1 hủy đấu giá và ông chủ FLC Trịnh Văn Quyết bị hủy lô bán chúi 74,8 triệu cổ phiếu FLC khi giá lên cao, sáng nay 12/1 hầu hết các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản và liên quan tới ông Quyết giảm mạnh.
Cổ phiếu FLC giảm sàn xuống còn 18.550 đồng/cp với dư bán sàn lên tới hơn 24 triệu đơn vị.
Cổ phiếu Năm Bảy Bảy (NBB) giảm sàn 4.100 đồng xuống 55.600 đồng/cp với dư bán hơn 400 nghìn đơn vị. Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) giảm sàn xuống 14.750 đồng/cp. ROS giảm sàn với dư bán hơn 55 triệu đơn vị. Cổ phần Cầu đường CII (LGC) giảm sàn.
Theo M. Hà (VietNamNet)