Vợ chồng trẻ mơ mua nhà, ác mộng còng lưng trả nợ bao giờ hết

25/03/2022 10:30:21

Mong muốn được sở hữu nhà vừa túi tiền của người dân bị dội gáo nước lạnh khi thị trường chỉ toàn bất động sản cao cấp. Nhà ở vừa túi tiền tại TP.HCM đã biến mất.

“Còng lưng” trả nợ mua nhà

Sau nhiều năm làm song song các công việc, dành dụm tiền và được hỗ trợ một phần từ gia đình, Khánh Huyền (An Giang) mới có thể sở hữu cho mình một căn hộ chung cư tại TP.HCM. Căn hộ trị giá 2 tỷ đồng, Huyền chỉ có đủ một nửa số tiền nên vẫn phải vay ngân hàng 900 triệu.

Chị cho hay, chi phí nhà tại TP.HCM rất cao so với thu nhập của người dân. Ví dụ, chị đang trả nợ mua nhà khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trong khi mức thu nhập của đa phần người lao động, nhân viên tại TP dao động từ 10-15 triệu đồng/tháng hoặc thấp hơn. Với khoản thu nhập trên, việc vừa trả nợ vay mua nhà, vừa lo chi phí sinh hoạt là quá sức cho người dân.

Ngoài ra, phân khúc nhà có giá từ 2 tỷ đồng/căn trở xuống không có nhiều lựa chọn hoặc bắt buộc phải tìm ra các vùng ven như quận 12, quận Bình Tân mới có. Những vị trí đó lại xa nơi làm việc ở trung tâm.

Vợ chồng trẻ mơ mua nhà, ác mộng còng lưng trả nợ bao giờ hết
Mong muốn có nhà vừa túi tiền của người dân TP.HCM bị dội gáo nước lạnh khi phân khúc này đã không còn (ảnh: Trần Chung)

Chị Huyền mong muốn, người dân TP sẽ được sở hữu một căn nhà vừa túi tiền hơn để giảm áp lực tài chính phải chi trả. Số tiền còn lại hoàn toàn có thể được dành cho các khoản khác như học tập, du lịch, giải trí để hoàn thiện bản thân.

“Giá nhà cao chỉ mang lại lợi nhuận cho nhóm đầu cơ chứ không tạo ra giá trị gì cả”, chị nói.

Nhu cầu mong muốn có nhà sớm tại TP của Huyền hoàn toàn không phải cá biệt. Theo khảo sát “Xu hướng mua bán bất động sản năm 2022 và chỉ số tâm lý người tiêu dùng” vừa được Batdongsan công bố, có tới 92% người Việt dự định sẽ mua một BĐS trong tương lai. 45% số người được hỏi đang tìm kiếm BĐS tại TP.HCM.

Trong khi lượng cầu rất lớn nhưng thị trường BĐS tại TP.HCM lại lệch pha. Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) - ông Lê Hoàng Châu cho rằng, sự méo mó của thị trường BĐS địa phương đã kéo dài trong suốt 5 năm qua, quá lệch đối với phân khúc BĐS cao cấp.

Trích dẫn báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM năm 2021, ông Châu cho hay, 76% nhà ở là nhà cao cấp. Phần còn lại là nhà ở phân khúc trung cấp, trong khi, nhà ở vừa túi tiền đã không còn tồn tại ở TP.HCM trong năm 2021.

Trước đó, nhà ở vừa túi tiền chỉ chiếm 1% thị trường BĐS của năm 2020. Đây là bức tranh không tích cực, điểm trừ của thị trường BĐS ở đô thị lớn nhất nước.

Cần 16 triệu m2 nhà giá thấp, 9 năm làm được 1,5 triệu m2

Nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật và Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng (Đại học Quốc gia TP.HCM) nêu thực tế, nhà ở tự xây tại TP đang chiếm cao nhất, tiếp đó là nhà ở thương mại. Trong khi, nhà ở xã hội chỉ chiếm 5,44% ở khu vực nội thành mở rộng và 6,9% ở ngoại thành.

Đáng chú ý, nhu cầu nhà ở xã hội của các nhóm đối tượng có thu nhập thấp đến năm 2020 lên tới 16 triệu m2 sàn, nhưng thực tế, nguồn cung nhà ở xã hội chỉ đạt được 1,55 triệu m2 sàn (phát triển trong 9 năm từ 2011-2019). Có thể thấy rõ sự mất cân đối cung cầu nhà ở của phân khúc này.

PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, đại diện nhóm nghiên cứu, cho rằng, cơ cấu sản phẩm BĐS hiện chưa hợp lý, thiếu gay gắt nhà ở xã hội và nhà thương mại giá thấp nên chưa đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận dân chúng. Trái ngược, một số DN vẫn tập trung vào các loại hình BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng.

Vợ chồng trẻ mơ mua nhà, ác mộng còng lưng trả nợ bao giờ hết - 1
Người lao động tại một xóm trọ ở quận 12, TP.HCM (ảnh: Trần Chung)

Cùng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - ông Nguyễn Mạnh Khởi nhận định, cung - cầu nhà ở đang lệch pha rất nhiều. Cơ cấu nguồn cung nhà ở phần lớn là nhà có giá bán cao hoặc rất cao.

Ông Khởi dẫn chứng, tính theo quy hoạch, sau đấu giá, giá nhà bình quân tại Thủ Thiêm khoảng 68-78 tỷ đồng/căn. Tất nhiên sẽ có người mua nhà nhưng đấy không phải là mục đích. Bởi, nếu thu được ngân sách nhưng không lo được nhà ở cho người nghèo thì đây không phải chủ trương mong muốn của nhà nước.

Thống kê trong 10 năm thực hiện, cả nước mới đạt 7 triệu/12 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương đáp ứng hơn 50% nhu cầu. Sự lệch pha này một phần đến từ việc các địa phương vẫn phát triển nhà ở không theo chương trình.

Phó Vụ trưởng Công nghiệp (Văn phòng Chính phủ) - ông Huỳnh Vũ Quốc Phương thông tin, chính sách vĩ mô về nhà ở xã hội đã ra và đã rõ nhưng từ chính sách đến thực hiện thì vô cùng rắc rối tại các địa phương. Bộ Xây dựng cần ra soát lại quy trình thực thi nhà ở xã hội.

Thời gian dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM, có thể thấy cảnh người dân ở trọ quá vất vả. Dù thị trường BĐS có lành mạnh mà không có nhà ở xã hội thì cũng không ổn.

Ngoài ra, Nghị định của Chính phủ quy định, các dự án BĐS phải dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Lâu nay, vẫn có quan niệm nhà ở xã hội vào đấy sẽ làm mất cảnh quan. Nhưng mặt khác, cũng cần hiểu quỹ đất đấy là cho người nghèo có cơ hội được sống trong môi trường, cùng hưởng tiện ích của dự án.

Còn PGS.TS Khánh lại chỉ ra nhiều nguyên nhân gây cản trở phát triển nhà ở xã hội như nguồn vốn hỗ trợ cho người thu nhập thấp từ ngân sách còn hạn chế. Nhiều DN không “mặn mà” đầu tư xây dựng vì tuy được ưu đãi thuế đất, nhưng giá vật liệu xây dựng, nhân công... không giảm. Cùng với đó, lãi suất vay vốn cao, bị khống chế giá bán, thời gian thu hồi vốn chậm.

Bên cạnh đó, thủ tục làm nhà ở xã hội giống như các thủ tục đối với nhà ở thương mại, thậm chí còn phức tạp hơn nên nhà đầu tư không mặn mà. Nếu nhà nước cởi trói và hỗ trợ được nhiều chính sách tốt hơn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, như vậy người có thu nhập thấp mới có thể tiếp cận được nhà ở giá hợp lý.

Theo Trần Chung (VietNamNet)

 

Nổi bật