Sau khi nghỉ hưu, vợ chồng bà Vân có một khoản tiết kiệm khoảng 500 triệu đồng. Bà Vân tính toán, nếu gửi tiết kiệm thì lãi suất rất thấp, mỗi tháng bà chỉ nhận về vài trăm nghìn. Sau khi suy tính, bà Vân bàn với chồng đi mua vàng.
Ở thời điểm cách đây một năm, giá vàng SJC khu vực Hà Nội bán ở mức giá 55,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,65 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 55,30 triệu đồng/lượng (mua vào) và 55,67 triệu đồng/lượng (bán ra).
Sau khi mua, vợ chồng bà thường ít quan tâm tới vàng do xác định đây là khoản để dành, chỉ bán khi cần thiết do có lương hưu sinh hoạt hàng ngày. Đầu năm 2022, giá vàng liên tục tăng. Qua báo chí đưa tin, bà Vân vui mừng vì đã có sự lựa chọn đúng.
Ở thời điểm vàng lên giá 74 triệu đồng, bà Vân vẫn không bán vàng, do quan điểm mua vàng để dành. Bà cho rằng, vàng sẽ tăng trong thời gian tới.
Kết thúc phiên giao dịch 30/4, giá vàng miếng 9999 tại SJC Hà Nội là 69,65 triệu đồng/lượng (mua vào)- 70,37 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC TP.HCM niêm yết ở mức 69,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,35 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji Hà Nội niêm yết ở mức 69,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,20 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại TP.HCM, Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 69,55 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 70,25 triệu đồng/lượng.
Như vậy, sau một năm bà Vân đã lời 14 triệu đồng/lượng. Tổng số vàng của bà Vân đã lời trên 125 triệu đồng. Đối với một vợ chồng công chức về hưu, đây là khoản lãi đầu tư lớn nhất mà vợ chồng mà có được trong suốt cuộc đời tích cóp của mình.
Thị trường vàng trong nước kết thúc tháng 4 tăng giá. Nếu bán vàng SJC ngày 1/4 thì sau 1 tháng, khách hàng đã bị lỗ 1,2 triệu đồng/lượng. Còn nếu mua trong ngày đó, người tiêu dùng đã lãi 480 nghìn đồng/lượng khi bán vàng ngày 30/4.
Vàng thế giới giảm
Trái ngược với đà tăng của vàng trong nước, giá vàng thế giới kết thúc tháng 4 giảm. Chốt phiên 30/4, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.9111,14 USD/ounce. Tuy nhiên, tính chung cả tháng Tư, giá vàng này giảm khoảng 1,5%, đánh dấu tháng giảm đầu tiên của giá vàng kể từ tháng Một năm nay. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn tại Mỹ cũng tăng 1,1% phiên cuối tuần, lên 1.911,70 USD/ounce.
Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,56 triệu đồng/lượng.
Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, sức mua của đồng USD đã giảm 86% kể từ năm 1971, khi Tổng thống Richard Nixon dừng việc cho phép chuyển đổi đồng USD thành vàng với mức giá cổ định.
Cùng với việc sử dụng vàng làm trang sức, đưa vào dự trữ của Fed và dùng trong một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp, một số người tin rằng vàng có giá trị hơn các đồng tiền pháp định như đồng USD, do các chính phủ có thể phát hành trái phiếu và in tiền.
Số liệu của Fed cho thấy, lượng USD trong lưu thông hiện là 2.250 tỷ USD, tăng từ mức 1.800 tỷ USD vào đầu năm 2020 và mức trên 800 tỷ USD vào năm 2007.
Marc Desormeaux, nhà kinh tế cấp cao tại Scotiabank, cho biết, mặc dù giá vàng gần đây giảm hơn 5% so với mức 2.000 USD, ông vẫn dự báo lạc quan về kim loại quý này. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, vàng có thể gặp khó khăn đối chút trong tuần tới trước quyết định chính sách tiền tệ của FED.
Còn theo Mike McGlone, chuyên gia của Bloomberg Intelligence, giá vàng có thể vượt qua ngưỡng tâm lý quan trọng 2.000 USD/ounce.
Hiện tại, thị trường đang chuyển sự chú ý sang cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày (3-4/5) của Fed.
Theo Bảo Anh (VietNamNet)