VNG Limited sắp niêm yết tại Mỹ: Tencent và Ant Group nắm 26% cổ phần

24/08/2023 17:17:09

Tencent và Ant Group, hai doanh nghiệp của Trung Quốc nắm giữ số lượng cổ phần áp đảo tại VNG Limited, doanh nghiệp vừa nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu tại Mỹ và đang sở hữu 49% tại tại “kỳ lân” VNG Corporation của Việt Nam.

Theo hồ sơ gửi Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), VNG Limited vừa nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1, nhằm niêm yết cổ phiếu tại sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market của Mỹ.

VNG Limited có trụ sở tại quần đảo Cayman. Các cổ đông lớn gồm ông Lê Hồng Minh, ông Vương Quang Khải, Tencent và Ant Group (2 doanh nghiệp Trung Quốc) và quỹ đầu tư GIC của Singapore.

Ông Lê Hồng Minh là Tổng Giám đốc và ông Vương Quang Khải giữ chức Phó Tổng Giám đốc thường trực VNG Corporation (Upcom: VNZ). Ông Lê Hồng Minh và ông Vương Quang Khải sở hữu lần lượt 12,6 và 1,68 triệu cổ phiếu loại B, tương ứng với tỷ lệ quyền biểu quyết tại VNG Limited là 45% và 6%.

VNG Limited đang sở hữu 49% tại “kỳ lân” VNG Corporation. VNG Corporation là kỳ lân công nghệ của Việt Nam, đang sở hữu ứng dụng Zalo. VNG có nhiều dự án lớn và đang ở vị trí số hàng đầu trong lĩnh vực trò chơi và quảng cáo trực tuyến. ZaloPay được xem là một trong những ví điện tử số hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, VNG có trung tâm dự liệu VNG Data Center…

Tencent và Ant Group nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu loại A của VNG Limited.

Theo hồ sơ gửi lên SEC, VNG Limited có 2 cổ đông Trung Quốc là Tencent của tỷ phú Mã Hóa Đằng và Ant Group.

Cụ thể, theo mẫu F-1 gửi lên SEC, VNG Limited có 2 loại cổ phiếu lưu hành, gồm cổ phiếu phổ thông loại A (Class A) và cổ phiếu phổ thông loại B (Class B). Trong đó, 1 cổ phiếu loại B tương ứng với 10 quyền biểu quyết, trong khi 1 cổ phiếu loại A chỉ tương ứng với 1 quyền biểu quyết.

Đây là 2 loại cổ phiếu cho 2 nhóm cổ đông riêng biệt các cổ đông nước ngoài và ban lãnh đạo của VNG.

Trong khi đó, Tencent là cổ đông ngoại lớn nhất sở hữu hơn 65 triệu cổ phiếu loại A (tương ứng quyền biểu quyết là 23%). Ant Group sở hữu hơn 7,77 triệu cổ phiếu loại A (tương đương 2,8% quyền biểu quyết).

Bên cạnh đó, GIC sở hữu gần 15,3 triệu cổ phiếu loại A của VNG Limited. Seletar Invesments sở hữu hơn 9,4 triệu cổ phiếu loại A, tương đương quyền biểu quyết là 3,4%.

Ông Lê Hồng Minh, CEO VNG.

Như vậy, số lượng cổ phiếu mà 2 cổ đông Trung Quốc nắm giữ chiếm áp đảo, với tổng cộng gần 72,8 triệu đơn vị. Còn tính cả 4 cổ đông ngoại, nhóm này nắm giữ hơn 97,6 triệu cổ phiếu loại A của VNG Limited.

Ở chiều ngược lại, 2 cổ đông Lê Hồng Minh và Vương Quang Khải nắm giữ hơn 14,3 triệu cổ phiếu loại B của VNG Limited.

Tuy nhiên, theo quy định, cổ phiếu loại B có tỷ lệ quyết định gấp 10 lần cổ phiếu loại A. Do vậy, ông Minh và ông Khải đang nắm giữ tỷ lệ biểu quyết áp đảo, ở mức 51%, cho dù nắm giữ số lượng cổ phiếu ít hơn nhiều.

Tencent được cho là đầu tư vào VNG từ năm 2010. Tuy nhiên, từ đó cho tới trước khi gửi hồ sơ lên SEC ngày  24/8, cả 2 bên chưa chính thức xác nhận công khai thông tin này cho dù đã có những lãnh đạo từ Tencent sang VNG.

VNG Corporation thành lập vào năm 2004, với tên ban đầu là CTCP Trò chơi Vi Na (Vinagame) và vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Doanh nghiệp này nhiều lần có kế hoạch niêm yết quốc tế nhưng không thành.

Năm 2017, VNG cũng từng ký kết một biên bản ghi nhớ về việc niêm yết trên Nasdaq tại Mỹ. Sau đó, năm 2021, theo Bloomberg, VNG cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) với định giá ở mức 2-3 tỷ USD.

Năm 2014, VNG được định giá 1 tỷ USD. Còn năm 2019, Quỹ đầu tư Temasek của Chính phủ Singapore định giá VNG ở mức 2,2 tỷ USD.

Đầu năm 2023, VNG đăng ký giao dịch trên chứng khoán Upcom của Việt Nam với giá phiên đầu tiên là 240.000 đồng/cp. Tới ngày 16/2, cổ phiếu VNZ lên tới hơn 1,56 triệu đồng/cp, tương vốn hóa hơn 55,9 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,3 tỷ USD).

Hiện VNG có vốn hóa 29.500 tỷ đồng (tương đương hơn 1,2 tỷ USD). 

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)