Ngày 2.5.2018, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thông báo đã bắt đầu nhận lưu ký gần 2,68 tỷ cổ phiếu của Công ty Cổ phần Vinhomes - công ty con của tập đoàn Vingroup do ông Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch HĐQT, với mã chứng khoán VHM.
Số cổ phiếu này sẽ được đăng ký niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) trong ít ngày tới đây với mức giá dự kiến theo tính toán của Bloomberg từ 13 tới 16 tỷ USD.
Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một kỷ lục, thậm chí trở thành “cú hích lớn” với thị trường vốn Việt Nam. Vậy Vinhomes của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng sở hữu yếu tố gì để được định giá tới 13 tỷ USD?
Theo số liệu từ Forbes, tính đến ngày 5.4, giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã cán mốc 7 tỷ USD, tiếp tục lập đỉnh cao mới.
Điều đáng nói là, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang tăng rất nhanh trong thời gian gần đây. Theo công bố của Forbes hồi đầu tháng 3.2018, tài sản của ông Vượng là 4,3 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, khối tài sản của người giàu nhất Việt Nam đã tăng tới 2,7 tỷ USD.
Sau khi Vinhomes lên sàn, hệ thống của Vingroup sẽ có 3 doanh nghiệp niêm yết, gồm Vingroup, Vincom Retail và Vinhomes.
Với lượng tài sản khổng lồ trên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện giàu ngang tỷ phú Shahid Khan - ông chủ câu lạc bộ Fulham, gia đình Loretta Robinson – chủ sở hữu Rogers Communications, nhà đầu tư mạo hiểm John Doerr và ông trùm dầu lửa Na Uy John Fredriksen.
Trên bình diện khu vực Đông Nam Á, tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện giàu thứ 13 Đông Nam Á.
Cụ thể, Indonesia hiện có 3 tỷ phú có lượng tài sản lớn hơn ông Vượng gồm: R. Budi Hartono (15,9 tỷ USD), Michael Hartono (15,3 tỷ USD) và Sri Prakash Lohia (7,3 tỷ USD). Trong khi đó, Philippines có 2 tỷ phú gồm Robert Kuok (15,2 tỷ USD) và Quek Leng Chan (7,3 tỷ USD). Philippines có 1 tỷ phú là Henry Sy (19,5 tỷ USD).
Nếu tài sản tăng thêm 1 tỷ USD trong thời gian tới, tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng có thể sẽ vào top 200 người giàu nhất hành tinh, ngang hàng với những tỷ phú như “huyền thoại đầu cơ” George Soros, Silvio Berlusconi..
Lợi nhuận tăng trưởng chóng mặt
Theo thông tin từ báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2018 của Công ty CP Vinhomes, tổng doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận của Vinhomes trong quý vừa qua là 10.535 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận trước thuế đạt là 4.869 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.986 tỷ đồng, tăng lần lượt 428% và 419% so với cùng kỳ năm 2017.
Doanh thu chuyển nhượng bất động sản quý I.2018 cũng đạt 10.238 tỷ đồng, tăng 7.493 tỷ đồng, tương đương với 273% so với cùng kỳ năm 2017 chủ yếu đến từ các dự án lớn như Vinhomes Central Park và Vinhomes Green Bay.
Còn doanh thu hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư, doanh thu cung cấp dịch vụ quản lý đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước với tỷ lệ tăng trên 100%.
Bên cạnh đó, thu nhập từ hoạt đông hợp tác kinh doanh với Vingroup và một đối tác khác tại các dự án Vinhomes Harmony, Vinhomes Golden River, Vinhomes Imperia và Vinhomes Dragon Bay là 1.815 tỷ đồng.
Tại ngày 31.3.2018, tổng tài sản Vinhomes đạt 94.693 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 38.248 tỷ đồng, tăng lần lượt 85% và 278% so với cuối năm 2017.
Ngoài ra, dù doanh thu thuần hợp nhất của Vinhomes trong quý I.2018 tăng 212% so với cùng kỳ năm 2017, song giá vốn hàng bán lại tăng trưởng tới 294,3%. Theo lý giải trong BCTC của Vinhomes, phần tăng của giá vốn hàng bán chủ yếu tới từ sự tăng trưởng của giá vốn bất động sản chuyển nhượng. Cụ thể, con số này đã tăng từ 1.549,8 tỷ đồng lên 7.364,7 tỷ đồng chỉ sau 1 năm.
Về giao dịch với các bên liên quan trong tập đoàn Vingroup, tính tới 31.3.2018, Vinhomes đã cho tập đoàn Vingroup - công ty mẹ đang sở hữu 69,67% vốn của mình vay ngắn hạn số tiền 1.238,89 tỷ đồng với lãi suất 8%, đồng thời Vinhomes cũng vay Vingroup số tiền hơn 153 tỷ đồng với lãi suất tương tự.
Ngoài ra, Vinhomes cũng đang cho khá nhiều công ty khác cùng tập đoàn như BĐS Thăng Long, BĐS Xavinco, Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Thương mại Thành phố... vay số tiền từ hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng.
Quỹ GIC của Chính phủ Singapore thành cổ đông lớn của Vinhomes
Theo thông tin tin từ CTCP Vinhomes, quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore đã mua vào 153,85 triệu cổ phiếu Vinhomes, tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,74% và trở thành cổ đông lớn kể từ ngày 20.4.2018.
Trước đó, vào giữa tháng 4, Vinhomes cho biết sẽ GIC sẽ đầu tư tổng cộng 1,3 tỷ USD (tương đương 29.500 tỷ đồng) dưới 2 hình thức là đầu tư mua cổ phần của Vinhomes và cung cấp một công cụ nợ cho Vinhomes (như khoản cho vay) để thực hiện các dự án. Credit Suisse (Singapore) Limited là đơn vị tư vấn của thương vụ này.
GIC là một trong 3 nhánh đầu tư của Chính phủ Singapore và hiện trở thành một trong những nhà đầu tư tài chính lớn nhất trên thị trường vốn Việt Nam. Hiện tại, những khoản đầu tư chính của GIC tại Việt Nam gồm có Masan Group (~5% cổ phần), Vietjet Air (~5%), Vinamilk (0,7%), FPT (3,5%), PAN Group, Vinasun... với tổng giá trị vào khoảng gần 15.000 tỷ đồng.
Vinhomes được tách ra từ lĩnh vực bất động sản của Tập đoàn Vingroup – đơn vị đang triển khai nhiều dự án tại gần 40 tỉnh thành trên cả nước. Với hậu thuẫn mạnh mẽ từ Vingroup, Vinhomes hiện sở hữu lợi thế nổi bật về quỹ đất.
Cụ thể, Vinhomes hiện diện tại nhiều vị trí trọng điểm ở Hà Nội, TP.HCM và các thành phố có tiềm năng tăng trưởng cao như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Thanh Hóa... Các dự án của Vinhomes đều nằm ở những khu vực đang hoặc sẽ tiếp cận với mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng công cộng, bao gồm các tuyến tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP.HCM như Vinhomes Metropolis, Vinhomes Central Park, Vinhomes Golden River, Vinhomes Dragon Bay (Quảng Ninh), Vinhomes Imperia (Hải Phòng)…
Theo Nguyên Phương (Dân Việt)