Đầu giờ chiều 14/1, Tập đoàn Vingroup vừa công bố chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông vận tải, chính thức xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh này.
Theo tập đoàn này, lý do cho quyết định trên được doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đưa ra là để "tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Vingroup".
Tuy nhiên, trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không VinAviation sẽ vẫn duy trì hoạt động theo cam kết với các học viên. Khoá Đào tạo đang triển khai vẫn tiếp tục được duy trì với đầy đủ những cam kết đã có với học viên.
Đồng thời, Vingroup khẳng định vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không trên cả nước .
Quyết định bất ngờ trên của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đồng nghĩa nhiều khả năng Hãng hàng không Vinpearl Air sẽ không thể cất cánh. Thông cáo của doanh nghiệp cũng không chia sẻ về tương lai của dự án hàng không này.
Trước đó, đầu tháng 7/2019, Vingroup đã tiến hành thủ tục đổi tên Công ty Phát triển thương mại và dịch vụ VinAsia (thành lập tháng 6/2017) thành Công ty Hàng không Vinpearl Air, có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, trụ sở tại quận Long Biên, Hà Nội. Từ một doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, đơn vị này được chuyển đổi sang vận tải hành khách hàng không.
Ngày 24/7/2019, tập đoàn Vingroup công bố hợp tác với tập đoàn CAE (Canada) trong việc đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới. Vingroup cũng xúc tiến các thủ tục để thành lập hãng hàng không Vinpearl Air.
Vingroup chính thức khẳng định sự hiện diện trong lĩnh vực hàng không vào tháng 7/2019 với việc thành lập Công ty CP Hàng không Vinpearl Air, đăng ký đầu tư dự án theo mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hãng hàng không truyền thống và chi phí thấp.
Mạng đường bay của Vinpearl Air bao gồm 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế. Hãng này đặt ra mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng từ khai thác tới việc “xuất khẩu” phi công.
Cuối tháng 12/2019, sau khi thẩm định dự án hàng không Vinpearl Air, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Theo đó, Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư lên tới 4.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, chiếm 27,66% tổng vốn đầu tư; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỷ đồng, chiếm 72,34%. Hãng đặt căn cứ tại sân bay Nội Bài -Hà Nội.
Dự kiến, Vinpearl Air sẽ hoàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật để chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay thương mại trong tháng 7/2020 với quy mô 6 tàu bay trong năm đầu tiên.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải nhận định quy mô đội tàu bay như đề xuất của Vinpearl Air là phù hợp với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ này cũng khẳng định kế hoạch của Vinpearl Air là phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng cho năm 2020.
Các cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá Vinpearl Air có “hồ sơ đẹp”, được hậu thuẫn bởi tiềm lực tài chính vững mạnh cũng như danh tiếng của người giàu nhất Việt Nam - tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Vì vậy các chuyên gia cũng có những bình luận rất tích cực về việc Vinpearl Air gia nhập thị trường.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc Vinpearl Air gia nhập thị trường hàng không sẽ khiến cho “cuộc đua trên bầu trời” Việt Nam thay đổi cục diện, hành khách sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Vậy nhưng, có lẽ trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt cộng với việc muốn dồn toàn lực vào lĩnh vực công nghệ-công nghiệp nên tỷ phú Phạm Nhật Vượng đành phải chia tay lĩnh vực hàng không.
Theo PV (Nguoiduatin.vn)