Mở cửa phiên giao dịch chính thức ngày 2/10 trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ (tối 2/10 giờ Việt Nam), cổ phiếu VinFast Auto (VFS) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm phiên thứ 2 liên tiếp, xuống vùng đáy 11-12 USD, mức thấp nhất kể từ khi lên sàn Nasdaq của Mỹ hôm 15/8.
Cụ thể, tính tới 20h40 ngày 2/10 (giờ Việt Nam), cổ phiếu VFS giảm hơn 8% so với phiên liền trước xuống dưới 11,5 USD/cp.
Với mức giá hiện tại, vốn hóa của VinFast Auto (VFS) xuống mức 27 tỷ USD, gần ngang mức định giá ban đầu khi sáp nhập với Black Spade. Mức vốn hóa này giảm 85% so với đỉnh cao nhất hồi cuối tháng 8.
Với mức vốn hóa này, hãng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng xuống dưới hãng xe Tata Motors của Ấn Độ và đứng thứ 17 trong các hãng xe ô tô trên thế giới. Nếu chỉ tính các hãng xe điện, VinFast đứng thứ 4 sau hãng xe Tesla của tỷ phú Elon Musk (tính tới 2/10 có vốn hóa 775tỷ USD); BYD của Trung Quốc (92,6 tỷ USD) và Li Auto của Trung Quốc (35,6 tỷ USD).
Trong 17 phiên qua, cổ phiếu VinFast biến động trong khoảng từ 11-18 USD/cp. Thanh khoản trong vài phiên gần đây được cải thiện, lên vùng 3-5 triệu đơn vị/ngày nhưng còn thấp hơn nhiều so với mức 10-20 triệu đơn vị/phiên những ngày sôi động hồi cuối tháng 8.
Trong phiên cuối tuần trước 29/9, VinFast ghi nhận thanh khoản đạt hơn 4,65 triệu đơn vị.
Theo thông tin trên tờ báo kinh tế Economic Times của Ấn Độ, VinFast đang cân nhắc thành lập một nhà máy sản xuất ô tô ở Ấn Độ. Nhà máy có thể sẽ được xây dựng ở bang Tamil Nadu hoặc Gujarat.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa rõ liệu VinFast xem xét sản xuất xe để xuất khẩu hay sẽ chỉ bán tại thị trường Ấn Độ. Tại đây, hãng xe BYD cũng đang mở rộng sự hiện diện.
Giới đầu tư quan tâm đặc biệt tới kế hoạch chào bán hơn 75 triệu cổ phiếu của các cổ đông VinFast ra công chúng sẽ có kết quả như thế nào. Trong kế hoạch này, 2 công ty đầu tư riêng của ông Phạm Nhật Vượng (là VIG và Asian Star) sẽ đưa ra thị trường 46,29 triệu cổ phiếu VinFast, tương đương khoảng 2% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Tiền sẽ được dùng tái đầu tư cho VinFast theo như cam kết của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vingroup.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)