Vinasun: 'Grab báo lỗ 1.700 tỷ thì lấy tiền đâu hoạt động?'

18/10/2018 14:45:12

Vinasun dẫn số liệu khoản lỗ mà Grab báo cáo từ 2014-2017 là khoảng 1.700 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Grab 20 tỷ. "Vậy chi phí ở đâu để Grab hoạt động?", luật sư Đức hỏi.

Sáng 18/10, phiên tòa xét xử vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và GrabTaxi (Grab) tiếp tục với phần xét hỏi.

Không khí phiên tòa sáng nay khá căng thẳng khi đại diện và luật sư 2 phía liên tục phản ứng gay gắt trước câu hỏi của các bên.

Cuối ngày xét xử hôm qua (17/10), HĐXX đề nghị bên cạnh những mặt tích cực mà bị đơn chỉ ra khi sử dụng dịch vụ của họ, phía nguyên đơn Vinasun cũng nên chỉ ra những tiêu cực từ hoạt động gọi xe công nghệ của Grab.

4 năm Grab lỗ 1.700 tỷ

Tại tòa, phía luật sư của Vinasun vẫn giữ quan điểm, khẳng định Grab vi phạm đề án 24 của Bộ GTVT, đăng ký dịch vụ cung ứng phần mềm nhưng lại kinh doanh vận tải taxi, chiêu mộ lực lượng tài xế khổng lồ nên gây thiệt hại cho Vinasun.

"Hợp tác xã chỉ là bình phong để Grab thực hiện chức năng của một doanh nghiệp vận tải taxi. Chính vì điều này, cộng với việc hỗ trợ giá thu hút tài xế nên gây thiệt hại cực kỳ lớn cho Vinasun chúng tôi", ông Trương Đình Quý (Phó tổng giám đốc Vinasun) trình bày.

Vinasun cũng nêu ra việc Grab bị Cục thuế TP.HCM ra quyết định xử phạt 2,9 tỷ đồng.

Vinasun: 'Grab báo lỗ 1.700 tỷ thì lấy tiền đâu hoạt động?'
Ông Trương Đình Quý - Phó tổng giám đốc Vinasun. Ảnh: Hoài Thanh.

Đối đáp lại, phía Grab khẳng định mình được kiểm toán bởi Cục thuế TP và cơ quan chức năng cục tài chính thì không có xử phạt nào liên quan đến thuế. Grab cho rằng phía doanh nghiệp này đã hoàn thành tất cả nghĩa vụ về thuế theo pháp luật.

Bên cạnh đó, Vinasun cũng thắc mắc về số liệu các khoản lỗ mà Grab báo cáo từ năm 2014-2017 là khoảng 1.700 tỷ đồng. Trong khi vốn điều lệ của Grab khoảng 20 tỷ. "Vậy chi phí ở đâu để Grab hoạt động?", luật sư Nguyễn Văn Đức (bảo vệ quyền lợi cho Vinasun) hỏi.

"Nguồn vốn là do tự công ty huy động, không liên quan nên chúng tôi không trả lời", đại diện Grab đáp.

Grab vi phạm khuyến mãi?

Luật sư Đức tiếp tục đặt câu hỏi về việc Grab có cam kết xuất hóa đơn cho tất cả chuyến đi của khách hàng hay không. Luật sư viện dẫn chính bản thân mình đi xe của Grab không nhận được hóa đơn.

Đại diện của Grab trả lời rằng việc xuất hóa đơn tuân thủ theo pháp luật về thuế. Trước ngày 23/11/2016, Grab xuất hóa đơn chia sẻ phần của mình, đối tác xuất hóa đơn chia sẻ phần của họ. Sau đó việc xuất hóa đơn này không thuận lợi cho đối tác nên Grab được Cục Thuế TP hướng dẫn xuất hóa đơn cho tất cả chuyến đi của khách hàng.

Về các chuyến đi khuyến mãi 0 đồng, Grab xác nhận có và chi phí chuyến đi đó sẽ do Grab thanh toán lại cho tài xế.

Đại diện của Vinasun chỉ ra Grab vi phạm quy định về khuyến mãi, cụ thể là có 40 chương trình khuyến mại không thông báo và kéo dài thời gian khuyến mại.

Vinasun nhấn mạnh Grab không chỉ vi phạm đề án 24 mà còn vi phạm Luật Thương mại, Luật Lao động, Thương mại điện tử, Thuế,...

Vinasun: 'Grab báo lỗ 1.700 tỷ thì lấy tiền đâu hoạt động?' - 1
Đại diện Grab tại tòa. Ảnh: Hoài Thanh.

Luật sư Nguyễn Thanh Vân (bảo vệ quyền lợi cho Grab) đề nghị HĐXX triệu tập những người cũng sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, cùng thực hiện đề án thí điểm. Đồng thời, luật sư cũng đề nghị triệu tập Bộ GTVT tới tòa để làm rõ sai phạm trong việc thực hiện đề án 24.

Tuy nhiên, HĐXX không đồng ý.

Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật