Dự kiến thua lỗ trên 800 tỷ trong năm 2016, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) tiếp tục xin Chính phủ hàng loạt ưu đãi để cứu hai nhà máy Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc tập đoàn tiếp tục gặp khó khăn về tiêu thụ một số loại sản phẩm như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Riêng 4 mặt hàng cao su, pin ắc quy, chất tẩy rửa, hoá chất cơ bản khí công nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dù khó khăn.
Lỗ do không bán được phân bón
Theo lý giải của lãnh đạo tập đoàn, tiêu thụ phân bón giảm do từ đầu năm 2016 có nhiều yếu tố bất lợi cho sản xuất nông nghiệp: Đồng bằng sông Cửu Long hạn hán kéo dài, gây nên tình trạng nước mặn xâm nhập sâu, đặc biệt diện tích gieo trồng giảm hơn 100.000 ha; hạn hán kéo dài ở Tây Nguyên và tình miền Trung làm giảm nhu cầu phân bón trong suốt thời gian dài.
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế quan khu vực Asian và giá phân bón thế giới giảm mạnh tạo lợi thế cạnh tranh cho phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước Asian.
Riêng sản phẩm đạm urê và phân DAP của Vinachem càng gặp khó khăn khi các dự án đều mới hoàn thành, đầu tư nên chi phí khấu hao, lãi vay đầu tư rất lớn.
Quy trình sản xuất sản xuất phân urê của nhà máy đạm Hà Bắc. Ảnh: Báo đầu tư. |
Trong khi đó, Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình sản xuất đạm urê vốn sở hữu 100% thuộc về Tập đoàn Hoá chất đang là “quả đắng” của đơn vị này. Đầu tư 667 triệu USD, dây chuyền công nghệ châu Âu nhưng thực tế phải đi vay Trung Quốc 250 triệu USD, lãi suất 4%, dây truyền máy móc, thiết bị chủ yếu từ Trung Quốc.
Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng cũng khiến giảm sản lượng tiêu thụ phân bón của Vinachem trên thị trường.
Dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt với phân bón, do nguồn cung dồi dào, nhu cầu thấp dẫn đến giá liên tục rớt, Tập đoàn Hoá chất dự kiến cả năm lỗ 806 tỷ đồng. Đến năm 2017, Vinachem đặt mục tiêu lợi nhuận đạt 107 tỷ đồng.
Xin Chính phủ 14 ưu đãi
Để giải quyết khó khăn, đặc biệt cứu lấy hai nhà máy Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc, Vinachem đề xuất lên Chính phủ hàng loạt ưu đãi.
Cụ thể, đơn vị này đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Thủ tướng trình Quốc hội xem xét đưa phân bón urê vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất là 0%; cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho dự án nhà máy Đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước tại Tập đoàn với số tiền 2.708 tỷ đồng.
Trong trường hợp không được chuyển nợ vốn vay thành vốn Nhà nước đầu tư nêu trên, Vinachem đề nghị cho phép thanh toán khoản nợ vay của VDB trong thời gian 5 năm, từ 2016 đến 2020 (không trả nợ gốc và không tính lãi vay phát sinh trong 5 năm); đồng thời, cho phép khoanh nợ vay của dự án tại Ngân hàng Eximbank Trung Quốc trong giai đoạn tương ứng.
Vinachem cũng mong muốn được điều chỉnh giảm lãi suất đối với toàn bộ dư nợ gốc vay tại VDB cho Dự án Đạm Ninh Bình (371,74 tỷ đồng) và Dự án cải tạo mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc (3.043,6 tỷ đồng) có lãi suất trên 8,55% năm trở lên về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của nhà nước hiện hành là 8,55%/năm.
Tập đoàn còn đề nghị Công ty Đạm Hà Bắc được giãn trích khấu hao 50% cho năm 2016, 2017 và 30% năm 2018 tương tự cơ chế đã được chấp thuận như Công ty Đạm Ninh Bình.
Ngoài ra, Vinachem mong muốn Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nước Việt Nam chỉ đạo các NHTM BIDV, Vietcombank, Vietinbank tiếp tục cho Công ty Đạm Ninh Bình và Công ty Đạm Hà Bắc vay vốn đề đảm bảo sản xuất kinh doanh; kiến nghị Nhà nước không cấp phép đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất phân bón như urê, lân chế biến, NPK…
Theo Kiều Linh (Zing.vn)