Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa ký thoả thuận cho Việt Nam vay hơn 24,25 tỷ Yên (gần 5.000 tỷ đồng) xây dựng hệ thống chống xâm ngập mặn tại tỉnh Bến Tre theo hình thức vốn vay ODA, có lãi suất.
Một cống chống xâm ngập mặn được xây dựng tại Kiên Giang - ảnh Nguyễn Tuyền |
Bến Tre là tỉnh rất phát triển về sản xuất nông nghiệp với các cây trồng chủ yếu là lúa, dừa, các loại cây ăn trái như cam, chanh v.v. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm khoảng 44% GDP của tỉnh, tương đối cao so với bình quân cả nước (khoảng 18%).
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu và một số yếu tố khác, các nhánh sông Cửu Long đã bị xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp, cây trồng chịu mặn kém đã bị giảm sản lượng thu hoạch đáng kể, các loại trái cây có chiều hướng nhỏ đi không phát triển được.
Theo thỏa thuận, nguồn vốn vay trên có thời hạn 40 năm, ân hạn 10 năm tiếp theo với điều kiện vay không ràng buộc. Lãi suất vốn vay 0,3%/năm đối với hạng mục xây lắp và 0,1%/năm đối với hạng mục dịch vụ tư vấn.
Hiện các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và ngay cả TP.HCM cũng đối diện với nguy cơ bị xâm ngập mặn do nước biển dâng cao và lưu lượng nước sông Mê Kông đổ về hạ lưu ít hơn mực nước biển dâng. Điều này cũng một phần là hệ quả do các nước thượng nguồn sông Mê Kông như Trung Quốc, Lào, Campuchia xây nhiều đập thủy điện.
Ngoài tác động tiêu cực vô cùng lớn của biến đổi khí hậu mà Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia được dự đoán sẽ chịu thiệt hại nặng nề, việc hạn hán, xâm ngập mặn đã và đang do tác động của con người gây nên.
Mới đây, TP.HCM cũng chi hơn 10.000 tỷ đồng xây hệ thống chống ngập và ngăn mặn vào trung tâm thành phố. Bến Tre là tỉnh được dự báo gánh chịu tác hại nặng nề nhất của quá trình ngập mặn do nước biển dâng ở các tỉnh ĐBSCL, tỉnh này cũng dự trù kinh phí hơn 1.600 tỷ đồng từ năm 2016 - 2020 cho công tác chống xâm ngập mặn.
Theo An Linh (Dân Trí)