Theo kế hoạch, đến tháng 11/2016, Lọc dầu Nghi Sơn sẽ chạy thử và chính thức vận hành thương mại vào cuối năm 2017. 100% nguyên liệu cho nhà máy là dầu nhập khẩu từ Kuwait với thuế nhập khẩu 0%. Công suất dự kiến của tổ hợp là 7 triệu tấn thành phẩm mỗi năm, trong đó xăng 2,3 triệu tấn, diesel 3,7 triệu tấn, nhiên liệu máy bay, dầu hoả đạt 0,64 triệu tấn và các sản phẩm LPG, polypropylene... Lọc dầu Nghi Sơn cũng dự kiến xuất khẩu một số sản phẩm hoá dầu, bezen, parabelen, prolypylene... mà không phải chịu thuế xuất khẩu.
Do tác động của các sản phẩm phục vụ trong nước từ Nghi Sơn, lượng xăng dầu nhập khẩu sẽ giảm mạnh. Theo tính toán của cơ quan quản lý, thu ngân sách từ năm 2017 sẽ bị ảnh hưởng.
Dự án Lọc dầu Nghi sơn có quy mô đầu tư lên tới 9 tỷ USD. |
Cụ thể, ở phương án giá dầu 45 USD, số thu thuế giá trị gia tăng (VAT) nhập khẩu dầu thô của Nghi Sơn sẽ tăng được 3.051 tỷ đồng, song lượng nhập khẩu từ nước ngoài sẽ giảm mạnh, khiến thu thuế bảo vệ môi trường, VAT, tiêu thụ đặc biệt... giảm tổng cộng 9.298 tỷ đồng. Như vậy, thu từ xuất nhập khẩu sẽ giảm khoảng 6.246 tỷ đồng một năm.
Tuy nhiên, con số này phần nào được bù đắp nhờ thu nội địa (chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường) khoảng 4.868 tỷ đồng từ các sản phẩm của Nghi Sơn phân phối trong nước. "Khi Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động cuối năm 2017 thu ngân sách dự kiến giảm 1.377 tỷ đồng, năm 2018 giảm 10.928 tỷ đồng, năm 2019 giảm 10.632 tỷ, năm 2020 giảm 14.110 tỷ", báo cáo nhấn mạnh.
Cùng với giảm thu thuế, các hỗ trợ ưu đãi cho Nghi Sơn cũng ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước. Cụ thể, ngoài các hạng mục công trình hỗ trợ trực tiếp cho Nghi Sơn, miễn thuế nhập khẩu dầu thô…, Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam) còn cam kết bao tiêu sản phẩm và áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá cộng với thuế nhập khẩu (7% với các sản phẩm xăng dầu, 5% với LPG, 3% với các sản phẩm hoá dầu).
Sau khi tính toán, với giá dầu ở mức 45 USD, PetroVietnam phải bù lỗ do bao tiêu sản phẩm cho Nghi Sơn là 3.500 tỷ đồng. Con số này tăng lên 4.000 tỷ và 4.500 tỷ đồng với các phương án khác và có thể kéo dài trong 10 năm. Ngoài các ưu đãi trên, số kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho Lọc dầu Nghi Sơn để đầu tư các hạng mục của dự án như đê chắn sóng, đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng… là 3.833 tỷ đồng.
Trong khi phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng cho các hỗ trợ, ưu đãi nêu trên, Vụ Ngân sách Nhà nước tính toán với vốn góp 25,1%, PetroVietnam chỉ có thể thu về 1.400-1.600 tỷ đồng mỗi năm, tương ứng với các kịch bản giá dầu 50 USD và 45 USD một thùng.
"Khi Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động thì PetroVietnam không được thu lãi mà phải bù lỗ bình quân 1.800-2.500 tỷ đồng một năm, chưa tính đến khoản chi phí hỗ trợ trực tiếp về hạ tầng", báo cáo nêu.
Như vậy, cùng với tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD, việc vận hành công trình lọc dầu có quy mô sản lượng lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á tại Nghi Sơn (Thanh Hóa) cũng được chứng minh gây thua thiệt hàng chục nghìn tỷ đồng, tương đương hảng tỷ USD, trong vòng đời dự án bởi các chính sách ưu đãi, hỗ trợ...
Dự án nêu trên do Tập đoàn Idemitsu Kosan (Nhật) và Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) góp vốn mỗi bên 35,1%, PetroVietnam nắm 25,1% và một đối tác Nhật khác là Hóa chất Mitsui góp 4,7%. Dự án được khởi công năm 2008, công suất thiết kế 10 triệu tấn thô. Mới đây, Idemitsu Kosan và KPI đã lên kế hoạch phân phối xăng dầu tại thị trường Việt Nam công bố việc được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp phân phối sản phẩm.
Theo Bạch Dương (VnExpress.net)