Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL) của ông Bùi Thành Nhơn vừa công bố thông tin huy động thành công 1.180 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo với lãi suất suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm, các kỳ tiếp theo lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3,9%/năm nhưng không thấp hơn 11%/năm.
Trước đó, Novaland đã công bố loạt Nghị quyết HĐQT thông qua phương án phát hành trái phiếu với tổng giá trị 3 nghìn tỷ đồng. Mục đích huy động nhằm tăng quy mô vốn hoạt động bao gồm tăng vốn công ty con, mua bán sáp nhập triển khai các dự án và hợp tác kinh doanh các dự án bất động sản.
Gần đây, HĐQT Novaland vừa thông qua việc góp thêm 1.980 tỷ đồng tại Bất động sản Kim Yến, nâng tổng giá trị vốn rót lên gần 2 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Công ty cũng điều chỉnh vốn góp tại Nova Hospitality lên 1.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM - HDBank (HDB) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng vừa công bố thông tin đã phát hành riêng lẻ 2.398 tỷ đồng trái phiếu (mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu) vào đầu tháng 7 cho 3 doanh nghiệp để thu về gần 2,4 nghìn tỷ đồng.
Lô trái phiếu HDBank phát hành là trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm bằng tài sản, không kèm theo chứng quyền, không phải là nợ thứ cấp của HDBank, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất phát hành thực tế từ 5,9-6,3%/năm.
Trong năm 2019, HDBank cũng đã phát hành thành công trái phiếu 3 lần với tổng cộng khoảng 10 nghìn tỷ đồng, với lãi suất phát hành thực tế từ khoảng từ 6% đến 7%/năm.
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng vừa thông báo về kế hoạch phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với thời gian dự kiến phát hành vào quý 3/2020. Số tiền thu được từ việc chào bán các gói trái phiếu sẽ được sử dụng để tăng quy mô hoạt động cũng như đầu tư vào các chương trình, dự án của CII.
Gần đây, theo báo cáo của NHNN thanh khoản trên thị trường là tốt, dòng tiền dồi dào. Tuy nhiên, việc huy động vốn với mức lãi suất thấp như hiện nay không phải dễ. Việc doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn. Huy động tiền từ trái phiếu được xem là một giải pháp và hoạt động này tăng mạnh trong vài năm gần đây.
Thị trường này càng trở nên sôi động trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hồi phục khá nhanh trở lại và được đánh giá là một trong những điểm sáng nhất tại châu Á trong mùa dịch Covid-19. Nó tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp.
Trên CNBC, Ngân hàng UBS cho rằng, Việt Nam chịu một số ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nhưng tình hình chung tại đây lại thuộc hàng tươi sáng nhất khu vực. Doanh số bán lẻ, nhập khẩu và mảng sản xuất công nghiệp đều tăng trưởng trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ gặp thuận lợi trong xuất khẩu khi các nước đang gồng mình chống dịch, Việt Nam còn có cơ hội hút dòng vốn FDI khi mà nhiều tập đoàn muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc nhằm tránh ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Thỏa thuận EVFTA với EU cũng giúp hút dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Đây là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp bất động sản, bất động sản công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, xây dựng phát triển hạ tầng… hút vốn để thúc đẩy các dự án.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 9/7, chỉ số VN-Index tăng lên sát 870 điểm.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo BVSC, sau khi bứt phá qua vùng 850 điểm, nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục duy trì đà tăng ngắn hạn với đích đến nằm tại vùng 883-888 điểm. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, chỉ số vẫn có khả năng xuất hiện các phiên điều chỉnh tích lũy đan xen trong quá trình đi lên. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ các thông tin kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp dự báo kém khả quan vẫn sẽ là yếu tố tạo ra lực cản đối với đà tăng của thị trường trong ngắn hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/7, VN-Index tăng 1,08 điểm lên 864,5 điểm; HNX-Index tăng 0,66 điểm lên 114,37 điểm. Upcom-Index tăng 0,42 điểm lên 56,78 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 4,7 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)