Việt Nam giảm tỷ đô nhập xăng: Nhìn xăng Mỹ mà buồn

21/12/2015 11:29:16

Theo chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu thế giới từ đầu năm đến nay giảm hơn 40%, trong khi đó Việt Nam mới giảm trên 20% là quá thấp.

Theo chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu thế giới từ đầu năm đến nay giảm hơn 40%, trong khi đó Việt Nam mới giảm trên 20% là quá thấp.

Trong báo cáo Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 11 và 11 tháng năm 2015, Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết tháng 11 năm 2015, Việt Nam nhập khẩu  9,04 triệu tấn xăng dầu với trị giá 4,92 tỷ USD, tăng 16,6% về lượng và giảm 30,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này giảm 2,17 tỷ USD, trong đó do giá giảm lên tới 3,35 tỷ USD.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, đại diện Bộ Tài chính cũng ước tính, nếu giá dầu thô thế giới giữ nguyên mức 36 USD/thùng như hiện nay thì năm 2016, khi Việt Nam nhập khoảng 12,5-13 triệu tấn xăng dầu sẽ tiết kiệm được 2-2,1 tỷ USD.

Trong khi đó, tính đầu năm đến hết ngày 18/12, giá xăng trong nước mới 'đủng đỉnh' giảm tổng cộng hơn 7.300 đồng dù đã điều chỉnh giảm 12 lần. Trong lần điều chỉnh giá xăng dầu ngày 18/12, giá xăng RON 92 giảm 391 đồng xuống còn 16.400 đồng/lít trong bối cảnh giá dầu thô trên thế giới liên tục giảm. Lúc 14h40 chiều 18/12 theo giờ Việt Nam, giá dầu tại thị trường New York giảm nhẹ và đứng ở mức 34,87 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent trên thị trường London đứng ở mức 37,19 USD/thùng.

Trong năm 2015, giá xăng giảm 12 lần, tổng cộng khoảng 7.300 đồng. Ảnh: Zing

Đánh giá về những con số này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM cho biết, do lượng xăng dầu Việt Nam nhập khẩu lớn nên khi giá dầu thế giới giảm thì Việt Nam tiết kiệm được tiền nhập xăng dầu là đương nhiên.

"Khi Việt Nam nhập khẩu phải trả ngoại tệ, giá xăng dầu thế giới tính bằng ngoại tệ mà giảm sẽ có lợi cho nhà nhập khẩu, Việt Nam tiết kiệm được hàng tỷ USD tiền nhập khẩu xăng dầu là chắc chắn".
 
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cũng chỉ ra rằng, theo quy luật tất yếu khi Việt Nam mở cửa, giá xăng dầu trong nước dần áp sát giá xăng dầu thế giới, do đó khi Việt Nam tiết kiệm được tiền nhập khẩu xăng dầu nhờ giá xăng dầu thế giới giảm thì giá xăng dầu trong nước cũng phải giảm theo. Nhà nhập khẩu tiết kiệm được bao nhiêu tỷ đô thì giá bán ra cũng sẽ rẻ hơn và tiền tiết kiệm đó không rơi vào công ty xăng dầu, Nhà nước mà người tiêu dùng được hưởng", ông nói.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn là giá xăng dầu trong nước không bao giờ giảm nhiều hơn giá thế giới, ông Ngãi nhấn mạnh. Lý do là nếu giảm như vậy thì các nhà kinh doanh xăng dầu sẽ bị lỗ.

Vị chuyên gia cũng chỉ rõ, mức giảm giá xăng dầu trong nước chưa tương ứng với mức giảm của giá xăng dầu thế giới. Vừa qua Việt Nam có một số chính sách về thuế, phí như thuế bảo vệ môi trường môi trường, tức là lấy đi một phần lẽ ra người dân được hưởng nhiều hơn và Ngân sách Nhà nước được hưởng khoản đó.

"Bất kỳ loại thuế, phí nào áp đặt lên xăng dầu đều chuyển về ngân sách Nhà nước, còn người dân bị thiệt, nói cách khác, nó chuyển từ túi người này sang túi người khác", ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, việc tiết kiệm tiền nhập khẩu xăng dầu với việc giá xăng trong nước giảm là hai vấn đề khác nhau. Tiền nhập khẩu xăng dầu giảm là số tiền xã hội tiết kiệm được.

"Không phải tiết kiệm được tiền nhập khẩu xăng dầu thì giá xăng trong nước cũng phải giảm tương ứng. Đáng lý xã hội phải bỏ thêm hơn 1 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu thì giờ không phải bỏ ra nữa".

Ông Long cũng tỏ ra đồng tình với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi khi chỉ ra rằng, giá dầu thế giới năm nay đã giảm trên 40% so với năm ngoái nhưng giá xăng dầu Việt Nam giảm không tương xứng (đến nay mới giảm trên 20% là quá thấp). Việc giảm giá xăng phụ thuộc vào thuế, phí, tỷ giá, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, lợi nhuận định mức, quỹ bình ổn... Ngày 17/12, giá mỗi lít xăng của Mỹ ở mức 11.900 đồng/galon, trong khi đó ở Việt Nam hiện nay là 16.400 đồng/lít.

"Chính sách giá xăng dầu phụ thuộc vào chính sách tài chính của mỗi nước. Tất cả đều dựa trên giá thế giới nhưng có nước tăng nhiều, tăng ít, có nước giá xăng cao vì chính sách thuế phí, chi phí kinh doanh... khác nhau.

Tại sao phải so giá xăng Việt Nam với Mỹ mà không so với các nước trong khu vực? Là vì giá của Mỹ phản ánh giá thị trường chính xác nhất, ở đấy có sự cạnh tranh thực sự, nó luôn luôn căn cứ vào giá thế giới để tính, thuế và phí của họ tính hợp lý.

Cho nên, so sánh là phải xem xét với các nước trong khu vực và thế giới, trong khu vực có nước cao hơn, thấp hơn Việt Nam, nhưng so sánh để biểu hiện tương đồng, phản ánh đúng giá thị trường thế giới là giá xăng dầu bán lẻ của Mỹ. Hiện nay giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam cao hơn Mỹ 4.000 đồng là quá cao, trong khi đó khả năng cạnh tranh của Việt Nam còn rất thấp, chi phí đầu vào quá lớn.

Càng hội nhập sâu thì sức ép càng lớn, mà lớn nhất là cạnh tranh về giá, chất lượng..., những yếu tố này Việt Nam đều thua. Cho nên Việt Nam sẽ thua trên sân nhà và chịu rất nhiều rủi ro do cơ chế này. Sự tụt hậu của Việt Nam đã hiện hữu do năng suất, chất lượng và hiệu quả thấp, chi phí giá thành quá cao", ông Ngô Trí Long phân  tích.

Đừng để người dân phải chịu thiệt

Ở một diễn biến có liên quan, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) mới đây công bố, kết thúc quý III/2015, đơn vị này đạt 565 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước thông tin này, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho rằng, lợi nhuận của Petrolimex tăng cao như vậy có thể hiểu theo hai cách: Một là, nếu Petrolimex tăng lợi nhuận nhờ sản lượng xăng dầu bán ra thì chuyện đó không có gì đáng bàn. Nhưng nếu vì giá xăng dầu thế giới giảm nhanh mà giá trong nước giảm chậm và Petrolimex tăng lợi nhuận nhờ điều này thì bất hợp lý.

"Dần dần phải minh bạch giá xăng dầu trong nước phải tiến sát giá xăng dầu thế giới. Nếu giá xăng dầu thế giới giảm thì giá trong nước cũng phải giảm theo ngay, như thế gọi là cơ chế thị trường hoàn hảo dần dần".

Về phía người tiêu dùng, theo ông Ngãi, giá dầu thế giới giảm giúp người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhờ chi phí giảm đi. Tuy nhiên, vấn đề mọi người dân đều sợ là khi giá xăng dầu thế giới lên thì doanh nghiệp xăng dầu lên rất nhanh, ngược lại khi giá thế giới rớt thì xu hướng là giá trong nước rớt chậm. Nguyên nhân của điều này, theo ông nghiên cứu, có một nguyên nhân quan trọng là công ty xăng dầu luôn có hàng tồn kho và hàng này có thể họ nhập với giá cao, nếu giá thế giới vừa rớt mà giá trong nước rớt liền theo thì số hàng tồn kho đó bị lỗ. Do đó doanh nghiệp xăng dầu thường có một độ trễ nhất định để bán bớt lượng hàng tồn kho rồi, nhập hàng nhập mới về thì mới giảm.

"Đây có vẻ là một lý do hợp lý nhưng đã tiến tới cơ chế thị trường thì phải chấp nhận giá thế giới giảm thì doanh nghiệp xăng dầu trong nước cũng phải giảm theo, chấp nhận lỗ phần hàng tồn kho đó, đừng chuyển phần đó cho người dân".

Còn PGS.TS Ngô Trí Long khi bàn về mức lợi nhuận của Petrolimex đã chỉ ra một nghịch lý: giá xăng dầu thế giới luôn luôn giảm, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lại lãi rất lớn, trong khi giá bán lẻ lại giảm nhỏ giọt. Chính vì thế, phải xem xét họ chia sẻ lợi ích như thế nào giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân mà khiến người dân luôn luôn phải chịu thiệt.
 
>> Giá dầu giảm, ngân sách hụt thu... 32.000 tỷ đồng

Theo Thành Luân (Đất Việt)

Nổi bật