Thay vì tỷ lệ nhập siêu lớn từ Trung Quốc, gần đây Việt Nam chuyển sang nhập khẩu nhiều mặt hàng từ các nước Hàn Quốc và ASEAN khiến thâm hụt thương mại với các nước trên ngày càng tăng.
Nhập siêu của Việt Nam đang được chuyển từ Trung Quốc sang Hàn Quốc, các nước ASEAN. |
Còn đối với thị trường Hàn Quốc, Việt Nam nhập siêu khoản 10 tỷ USD, tăng gần 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Với thị trường Trung Quốc, Việt Nam giữ mức nhập siêu 8,8 tỷ USD, giá trị nhập siêu từ thị trường này không đổi so với cùng kỳ năm trước 2016.
Nhập siêu từ ASEAN, Hàn Quốc tăng mạnh
Như vậy, có thể nói, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc đang chững lại, giảm dần đi thay vào đó nhập siêu của Việt Nam đang tăng mạnh từ các nước Hàn Quốc và ASEAN. Con số này ngày càng tăng do Việt Nam đã thực hiện nhiều cam kết xóa bỏ thuế quan đối với Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, đặc biệt là trong mức thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng dầu được giảm về 0% - 5%...
Cùng với đó, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN ngày càng tăng lên do thuế quan nhiều mặt hàng trong các nước ASEAN về Việt Nam được xóa bỏ, dự kiến mức nhập siêu của Việt Nam tại các thị trường như Thái Lan, Singapore, Malaysia sẽ tăng lên ở các mặt hàng xăng dầu, ô tô, máy móc, và hàng tiêu dùng cao...
Theo dữ liệu của Hải quan, hết 4 tháng 2017, Việt Nam nhập siêu từ 4 nước lớn trong ASEAN đạt 3,7 tỷ USD, tăng hơn 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Cộng trung bình mức tăng nhập siêu của cả ASEAN và Hàn Quốc, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu từ các nước khoảng 13,7 tỷ USD, tăng 5,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016, mức tăng gần 60%. Đưa Hàn Quốc và các nước ASEAN trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, vượt qua Trung Quốc, thị trường nhiều năm Việt Nam nhập siêu lớn.
Thực tế, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ các nước ASEAN hiện nay chủ yếu là mặt hàng công nghiệp, linh kiện điện tử, máy móc và hàng tiêu dùng có giá trị cao (ô tô, xe máy, hàng điện tử, điện lạnh, xăng dầu...) Đây là những mặt hàng đã và đang được giảm thuế nhập khẩu khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức được thiết lập cuối năm 2015.
Máy móc, thiết bị Hàn Quốc, ASEAN thay thế Trung Quốc tại Việt Nam
Còn nhập khẩu từ Hàn Quốc trong 4 tháng vừa qua và năm 2016 chủ yếu ở mặt hàng linh kiện điện tử, máy móc thiết bị điện tử, ô tô và linh kiện, hóa chất... Đây là những nhóm hàng nhập khẩu số lượng lớn, kim ngạch cao... Đặc biệt, từ năm 2015 - 2016 đến nay, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng máy móc, linh kiện điện thoại, đồ điện tử tiêu dùng, xe hơi từ Hàn Quốc về Việt Nam tăng rất mạnh.
Cụ thể, riêng trong 4 tháng đầu năm, nhập khẩu điện thoại, linh kiện điện thoại từ Hàn Quốc về Việt Nam đã đạt 3,8 tỷ USD, vượt qua kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc với 2,1 tỷ USD. Máy móc cũng vậy, 4 tháng qua Việt Nam chi gần 3,8 tỷ USD nhập máy móc, thiết bị từ Hàn Quốc, trong khi đó nhập máy móc từ Trung Quốc - thị trường cung cấp nhiều loại máy móc cho Việt Nam từ trước đến nay cũng chỉ đạt kim ngạch 3,4 tỷ USD.
Theo Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê, sở dĩ việc gia tăng nhập khẩu, nhập siêu từ Hàn Quốc là do cơ chế thuế quan nhập khẩu từ Việt Nam đã giảm nhanh và mạnh so với các đối tác tương đồng. Trong đó, mức thuế nhập khẩu xăng dầu, máy móc, thiết bị và linh kiện, phụ kiện điện tử theo FTA giữa Việt Nam - Hàn Quốc giảm mạnh
Cụ thể, so với mức thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng xăng dầu từ nhiều nước khác, thuế nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc vào Việt Nam (theo thỏa thuận FTA Viêt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực năm 2016) là 10% thay vì mức thuế 20% so với nhiều thị trường khác. Các loại dầu diezen, dầu hỏa và nhiên liệu bay giảm xuống còn 5% thay vì thuế 10% so với các thị trường khác.
Bên cạnh đó, do Việt Nam đang có nhiều tập đoàn Hàn Quốc đầu tư và đặt cơ sở sản xuất tại đây, trong đó kể đến hai đại gia lớn là Samsung, LG và Hyundai... đây là nguyên nhân khiến cho việc nhập khẩu lượng lớn đơn hàng từ các công ty con, công ty mẹ từ Hàn Quốc sang Việt Nam.
Theo Nguyễn Tuyền (Dân Trí)