Bình luận về nguyên nhân tạo nên tốc độ tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam trong năm 2015, hầu hết các chuyên gia quốc tế đều thừa nhận kết quả này đến từ hai yếu tố chủ đạo: xuất khẩu mạnh mẽ, và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng cao kỷ lục. Chính hai yếu tố này đã giúp Việt Nam đảo ngược được xu thế đang thống trị ở các nước Đông Nam Á thời điểm hiện tại là sự trì trệ trong tăng trưởng. Các nền kinh tế hàng đầu ở khu vực ASEAN đều có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong năm 2015 như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và Philippines.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điều này là tác động lan tỏa từ sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, hầu hết các nước ASEAN đều chuyển hướng phần lớn hàng xuất khẩu của mình từ các thị trường Mỹ và châu Âu về thị trường Trung Quốc. Chính vì thế khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, tổng cầu giảm và không còn nhu cầu nhập khẩu hàng hóa nhiều như trước, thì nền kinh tế dựa trên xuất khẩu của các quốc gia Đông Nam Á lãnh đủ.
Ông Glenn Maguire, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương của ngân hàng ANZ, nhận định: vấn đề chủ yếu mà các quốc gia Đông Nam Á mắc phải là thiếu sự đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, do quá tập trung vào thị trường Trung Quốc nên giờ đây họ đang phải gánh chịu hậu quả.
Việt Nam sở dĩ có tốc độ tăng trưởng cao, đi ngược lại với xu thế trì trệ ở khu vực, là vì không mắc phải sai lầm này. Thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam rất đa dạng, trong đó các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam lại là Mỹ, EU và Nhật Bản. Vì thế Việt Nam gần như ít bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Chính vì điều này nên khi hầu hết các nước ASEAN đều suy giảm xuất khẩu, thì xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 lại tăng 8,1%, là nhờ sự đa dạng hóa và định hướng thị trường xuất khẩu đúng đắn.
Nhờ xuất khẩu tăng trưởng ổn định nên Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh được thế mạnh thứ hai, là thu hút mức vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kỷ lục là 22,76 tỷ USD trong năm 2015. Trong đó, dấu hiệu cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của giới đầu tư quốc tế với nền kinh tế Việt Nam là mức giải ngân FDI lên tới 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2014.
Đây được xem là kết quả tất yếu của việc dòng vốn đầu tư quốc tế đang rút ồ ạt khỏi Trung Quốc và tìm một điểm đến đầu tư mới, đồng thời cũng là kết quả của việc Việt Nam tăng cường tham gia ký kết các hiệp định thương mại như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một loạt các hiệp định thương mại song phương khác.
Có thể nhận thấy, với hai yếu tố tăng cường xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam đang bước những bước đầu tiên trước khi cất cánh ít nhất là trong 5 năm tới. Một thị trường xuất khẩu đa dạng và phong phú, với một năng lực sản xuất mạnh mẽ thông qua các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tăng vọt, là hai yếu tố chủ chốt để kinh tế Việt Nam cất cánh, thoát khỏi xu hướng trì trệ đang thống trị ở các nước Đông Nam Á để đạt được tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các nước trong khu vực.
Đó là kết quả của việc lựa chọn hướng phát triển kinh tế đúng đắn từ cách đây nhiều năm, khi Việt Nam không quá tập trung nguồn lực xuất khẩu của mình vào thị trường Trung Quốc như các quốc gia ASEAN, mà kiên trì với các thị trường ổn định như Mỹ và EU.
Nhưng, đằng sau những thành tựu đáng vui mừng đó, cũng có nhiều điều đáng để suy ngẫm. Việt Nam hiện tại đang theo một chiến lược phát triển kinh tế có ưu thế hơn so với các nước ở Đông Nam Á, với một thị trường xuất khẩu đa dạng và phong phú, cùng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vượt trội. Nhưng nếu nhìn lại, chúng ta sẽ nhận ra rằng con đường phát triển kinh tế hiện nay của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc trong khoảng 15-20 năm trở lại đây. Đó là thu hút vốn đầu tư nước ngoài dựa trên ưu thế nhân công rẻ, và xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường tiềm năng nhất như Mỹ và EU.
Chiến lược phát triển này về cơ bản không phải là một phương án tồi, Trung Quốc với mô hình tăng trưởng đó đã tăng trưởng với tốc độ 2 con số trong suốt hàng chục năm. Nhưng nếu nhìn sang nền kinh tế Trung Quốc ở thời điểm hiện tại khi mô hình này đã tới giới hạn cuối, chúng ta sẽ thấy những vấn đề của nó. Đó là quá phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Khi ưu thế nhân công giá rẻ kết thúc, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lập tức rút vốn và tìm một quốc gia khác để đầu tư.
Con số này tăng theo cấp số nhân: ba tháng cuối năm 2014 chỉ có khoảng 90 tỷ USD bị rút khỏi Trung Quốc, thì ba tháng đầu năm 2015 đã tăng lên 210 tỷ USD, bốn tháng cuối năm 2015 con số này lên trên 500 tỷ USD. Khi dòng vốn đầu tư nước ngoài bị rút ồ ạt, sẽ ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu và sự cân bằng của nền kinh tế, gây ra thất nghiệp tràn lan và tăng trưởng của Trung Quốc suy giảm nhanh chóng.
Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng đã bắt đầu có những dấu hiệu tương tự. Điển hình là việc quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khoảng trên 70% hàng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 là của khối FDI. Việc Việt Nam không phạm phải sai lầm của các nước ASEAN là quá tập trung xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cũng là từ ảnh hưởng của khối doanh nghiệp FDI, chứ không phải định hướng của Chính phủ.
Với các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua, Việt Nam cũng đóng vai trò như Trung Quốc là nơi đầu tư để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU. Điều này tiếp tục diễn ra trong giai đoạn kinh tế Trung Quốc tăng trưởng và khiến các nước ASEAN chuyển dòng xuất khẩu từ Mỹ và EU về Trung Quốc, nên dòng xuất khẩu của Việt Nam vẫn hướng về Mỹ và EU chứ không bị nắn như các nước ASEAN.
Việt Nam có thể nhìn sang vết xe đổ mà Trung Quốc mắc phải để tránh phạm phải sai lầm đó trong tương lai. Rõ ràng việc có một mô hình phát triển kinh tế tương đồng với Trung Quốc đang đem lại cho Việt Nam những lợi ích lớn, khi Trung Quốc đóng vai trò là kẻ đi trước phạm phải những sai lầm mà Việt Nam có thể tránh được sau đó. Nếu tránh được vết xe đổ mà Trung Quốc đã phạm phải, thì đó sẽ là sự đảm bảo vững chắc cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong tương lai.