Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 152,7 nghìn tấn hạt tiêu, thu về 483,2 triệu USD, tăng 23,6% về lượng nhưng giảm tới 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 6/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 3.667 USD/tấn, tăng 18,1% so với tháng 5/2023, nhưng giảm 11,3% so với tháng 6/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt mức 3.184 USD/tấn, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hạt tiêu đen tăng cả về lượng và trị giá, trong khi xuất khẩu các chủng loại hạt tiêu khác đều giảm mạnh.
Trung Quốc và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng được ví như "vàng đen" này của nước ta, chiếm lần lượt 35% và 16% tổng sản lượng tiêu xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm.
Theo đó, Trung Quốc mua 46.169 tấn, tăng 1.668,9% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu sang Mỹ đạt 21.093 tấn, giảm 15,5%.
Đáng chú ý, Trung Quốc tiếp tục mua vào khối lượng lớn hạt tiêu của Việt Nam đã thúc đẩy giá tiêu tăng, mặc dù nhu cầu tại các thị trường lớn khác như Mỹ và châu Âu vẫn yếu.
Tuy nhiên, thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, việc thu mua liên tục từ đầu năm đến nay (đạt gần 50 ngàn tấn) cho thấy Trung Quốc đã mua gần đủ nguồn hàng dự trữ. Bên cạnh đó, việc EU đưa ra quyết định không nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản được trồng trên đất từ phá rừng cũng tác động tiêu cực lên giá hạt tiêu.
Trong tháng 6/2023, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm mạnh so với cuối tháng 5/2023. Ngày 28/6, giá hạt tiêu đen giảm từ 2.500-3.500 đồng/kg so với ngày 29/5.
Tại các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, giá hạt tiêu đen cùng giảm 2.500 đồng/kg, xuống còn 69.000-71.500 đồng/kg; tại Gia Lai và Bình Phước, giá giảm 3.000 đồng/kg, xuống còn 68.500-70.500 đồng/kg; tại Đắk Lắk và Đắk Nông, giá cùng giảm 3.500 đồng/kg, xuống còn 69.500 đồng/kg.
Giá hạt tiêu trắng ở mức 103.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 5/2023 và thấp hơn so với mức 109.000 đồng/kg cùng kỳ năm ngoái.
Theo Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), giá tiêu xuất khẩu lao dốc vì nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu giảm. Áp lực từ đồng USD tăng và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh lãi suất khiến hoạt động nhập khẩu tiêu của nhiều thị trường lớn ảnh hưởng.
Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu sang Mỹ, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ấn Độ, Đức, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc liên tục giảm 20-70% trong nhiều tháng qua.
Nhiều nông dân ở Việt Nam, Indonesia và Brazil đang chuyển hướng bỏ trồng hồ tiêu sang trồng cây có lợi nhuận cao hơn. Việc sản xuất liên tục suy giảm dẫn đến giảm mức dự trữ hạt tiêu toàn cầu. Chưa kể, người trồng hồ tiêu vẫn có tâm lý giữ lại hàng chờ giá cao hơn, khiến nguồn cung bị thắt chặt.
Những tháng cuối năm, xuất khẩu hạt tiêu dự báo tiếp tục khó khăn do các thị trường lớn phục hồi chậm, lượng hàng tồn từ năm trước cũng là nguyên nhân khiến các nhà nhập khẩu giảm thu mua hạt tiêu từ Việt Nam.
Với tâm lý chờ đơn hàng từ thị trường như hiện nay, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp cần cân nhắc và tỉnh táo, cẩn trọng đánh giá khả năng tài chính khi ký hợp đồng số lượng lớn, giao xa với giá thấp.
Theo Tâm An (VietNamNet)