Tuy nhiên, ngay sau khi công bố dự thảo, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về vị thế quyền lực của "siêu uỷ ban" này, và tiếp tục được đề cập đến trong buổi họp báo kinh tế Quý II ngày 26/7 của CIEM.
Về vị thế trung tâm quyền lực của Uỷ ban, CIEM cho biết: "Uỷ ban gần giống như một công ty mẹ quản lý tài sản và đầu tư tài chính xét trên các tiêu chí mục tiêu chiến lược, các chỉ tiêu tài chính và phi tài chính, cách thức quản trị và quản lý cũng như công cụ, cách thức đánh giá kết quả công việc, cơ chế và chính sách tiền lương,… của toàn bộ các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước".
Viện trưởng CIEM - Nguyễn Đình Cung khẳng định không có lợi ích nhóm đằng sau việc thành lập "siêu uỷ ban". |
Về quy mô, CIEM dẫn báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2015, tính riêng 781 doanh nghiệp Nhà nước với giá trị tài sản là 3,1 triệu tỷ đồng (139 tỷ USD), vốn chủ sở hữu 1,23 triệu tỷ đồng. Đây là một khối tài sản khổng lồ, quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả số tài sản đó trong nền kinh tế vừa là yêu cầu, vừa là một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế và gia tăng phúc lợi quốc gia. Như vậy, nếu Uỷ ban ra đời, toàn bộ các tập đoàn, tổng công ty thuộc các bộ ngành sẽ phải chuyển giao sang. Ngay cả đối với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng sẽ được chuyển giao về đây.
CIEM cho rằng SCIC được lập ra để quản lý tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp theo mô hình tiên tiến, chuyên nghiệp chuẩn thế giới. Tuy vậy, vị thế "thấp" của SCIC làm cho cơ quan này khó "điều khiển" các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn.
"Nếu Uỷ ban nằm trong cơ cấu của một bộ sẽ khó đáp ứng được yêu cầu độc lập và ngang hàng với các bộ quản lý ngành trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước", CIEM giải thích vì sao Uỷ ban được chọn là một cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ. Bên cạnh đó, việc Uỷ ban thuộc Chính phủ vì không có chức năng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không có thẩm quyền thanh, kiểm tra và xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Như vậy, Uỷ ban sẽ độc lập với bộ máy quản lý hành chính Nhà nước, vừa tránh được nguy cơ ban hành chính sách thiên lệch cạnh tranh, đối xử bất bình đẳng.
Uỷ ban không phải là cơ quan hành chính Nhà nước, không có chức năng quản lý Nhà nước đối với các loại hình doanh nghiệp. Thay vào đó, cơ quan chuyên trách là cơ quan, tổ chức có chức năng đầu tư, tổ chức việc phân bổ, giám sát và sử dụng vốn Nhà nước theo mục tiêu do Chính phủ quyết định và hướng đến tối đa hóa giá trị vốn và tài sản Nhà nước.
CIEM cho rằng cần phải thành lập Uỷ ban bởi khối lượng tài sản của Nhà nước đang bị phân tán, quá nhiều đầu mối quản lý khi xảy ra sai phạm không ai chịu nhận trách nhiệm giải trình trước Chính phủ, Quốc hội. Hơn nữa, việc quản lý khối tài sản hiện đang bộc lộ nhiều nhược điểm, tăng trưởng chậm. Theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp Nhà nước chiếm 32% nguồn vốn kinh doanh, 39% tài sản cố định và đầu tư dài hạn nhưng chỉ tạo ra 24% doanh thu, dưới 20% giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm tỷ trọng nhỏ trong lĩnh vực thương mại nội địa, nông thủy sản.
TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM khẳng định: "Chúng tôi lập dự thảo Nghị định thành lập Uỷ ban không có một lợi ích nhóm nào đằng sau, không bảo vệ lợi ích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà thực chất bộ chủ quản cũng mất nhiều thứ. Việc thành lập còn nhiều thứ phải bàn tiếp nhưng quản lý như hiện tại chắc chắn thất bại", ông nói.
TS. Lưu Bích Hồ, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển khẳng định các nước trên thế giới quản lý theo mô hình như vậy, ngay cả Trung Quốc cũng áp dụng. Uỷ ban có thể thất bại hay thành công nhưng điều cần làm là phải có cơ chế minh bạch, có sự giám sát của Quốc hội và người dân, chiêu mộ được người giỏi.
Tuy vậy, báo cáo của CIEM lại cho biết đơn vị nhận được ý kiến đóng góp của các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đưa ra những quan điểm phân vân, lo ngại về việc chuyển giao doanh nghiệp và vốn Nhà nước về siêu Uỷ ban với lý do sẽ tạo ra một trung tâm quyền lực quá mạnh, khó có thể kiểm soát được, dẫn đến nguy cơ lạm quyền.
Vị trí trung tâm quyền lực kinh tế của Uỷ ban cũng đặt ra vấn đề quản lý thế nào để hiệu quả. TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng Uỷ ban nắm quyền lực quá lớn khi quản lý khối tài sản hơn 100 tỷ USD của đất nước, trong khi nhân lực còn yếu. Chỉ một tập đoàn đã không quản nổi, vậy khi gom lại sẽ cần bao nhiêu người, liệu có đủ nhân lực, vật lực, thẩm quyền để quyết định mọi thứ?
"Sinh ra thì dễ, quản lý mới khó. Cũng giống như khi SCIC ra đời, Uỷ ban chỉ khác là gom các tập đoàn, tổng công ty chưa cổ phần để quản lý. Thành viên Ủy ban nếu tiếp tục là những đại diện bộ ngành thì chỉ là 'bình mới rượu cũ'. Nếu là những người mới thì trong hệ thống Nhà nước liệu có đủ người có năng lực, tư duy mới và có dám trao cho những con người này đầy đủ thẩm quyền để quản lý hay không? Liệu những người này có dám tự chịu trách nhiệm? Nếu dùng người bên ngoài thì cơ chế hiện nay chưa cho phép, chưa kể, trước mắt bộ máy quản lý Nhà nước tiếp tục còn phình to, ngân sách tiếp tục gồng gánh cho đơn vị mới này trong khi Chính phủ lại muốn tinh giản bộ máy", ông Tuấn nêu quan điểm.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận định, mô hình Ủy ban được đưa ra trong dự thảo vẫn là một cơ quan quản lý Nhà nước và thường có độ trễ, nên khó đảm bảo mô hình doanh nghiệp. Đặc biệt, cho Uỷ ban một vị thế quyền lực quá lớn, thay mặt bộ ngành quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của hơn 30 tập đoàn lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đòi hỏi cơ quan này phải có năng lực phê duyệt cực tốt.
Ông Tiến cho rằng, Uỷ ban sẽ ảnh hưởng đến tiến trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà các bộ đang thực hiện. Trong xu thế hội nhập và xây dựng kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập, số lượng doanh nghiệp Nhà nước ngày càng giảm mạnh thông qua cổ phần hóa, nên không cần thiết phải chuyển về cơ quan chuyên trách. Điều này cũng đặt ra tính hoạt động lâu dài của Uỷ ban.
"Việc lập Ủy ban này sẽ thêm một bộ máy hành chính siêu bộ, tốn kém chi phí nuôi bộ máy trong lúc ngân sách Nhà nước đang khó khăn. Uỷ ban sẽ quản lý luôn SCIC, trong khi đó SCIC lại quản lý các doanh nghiệp. Vậy tại sao không giao hết các tập đoàn về cho SCIC quản lý", ông Tiến nói.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố dự thảo thành lập Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp... Tiêu biểu là một số tập đoàn như Dầu khí, Điện lực, Hoá chất, Dệt may, Công nghiệp Than - Khoáng sản, Bưu chính - Viễn thông, Công nghiệp Cao su, Xăng dầu, Bảo Việt... Các tổng công ty gồm Cà phê, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam, Thuốc lá, Giấy, Thép, Dược, Cảng hàng không, Lâm nghiệp, Sông Đà, Habeco và Sabeco…
Theo Bạch Dương (VnExpress.net)