Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành vận tải hàng hóa bằng đường hàng không đang có sự phục hồi khá tốt sau đại dịch với tổng khối lượng hàng hóa trong tháng 1/2021 tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, do nhiều hãng hàng không giảm chuyến bay nhằm tiết kiệm chi phí mùa dịch, khối lượng cung ứng khả dụng của dịch vụ vận tải hàng hóa đường hàng không đã suy giảm lần đầu tiên trong tháng 4/2021, thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.
Cầu hồi phục nhưng cung không đủ đang tạo sức ép lên chuỗi cung ứng hàng hóa, nhưng đây lại là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư kinh doanh. Nền kinh tế hồi phục cùng nhu cầu vận tải vaccine, nhu yếu phẩm và hàng hóa nhiều khả năng sẽ tăng trưởng mạnh trở lại trong thời gian tới.
Số liệu của IATA cho thấy kể từ khi chạm đáy vào tháng 4/2020, mảng dịch vụ vận tải hàng hóa đường hàng không đang phục hồi mạnh trở lại theo hình chữ "V" bất chấp tình trạng dịch vụ chở khách hàng không vẫn đình trệ.
Báo cáo của Clive Data Service cho thấy mảng vận tải hàng hóa đường hàng không dần tăng trưởng dương trở lại từ tháng 2/2021 khi các máy bay vận hàng thường chở đầy bình quân 70% công suất. Tốc độ tăng trưởng công suất trong tháng 2/2021 cũng đạt 7% so với tháng trước đó bất chấp việc tháng 2 năm nay ít ngày hơn tháng 1/2021.
"Nếu không tính số ngày bị thiếu thì công suất tháng 2 năm nay cao hơn 2% so với cùng kỳ năm trước", giám đốc Niali van de Wouw của Clive nhấn mạnh.
Một trong những nguyên nhân chính khiến ngành vận tải hàng hóa đường hàng không tăng trưởng trở lại năm nay là do nền kinh tế. Trong khi các nhà máy bị buộc phải đóng cửa năm 2020 vì đại dịch thì năm nay họ vẫn được phép mở cửa bất chấp dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn.
Ví dụ điển hình là số hàng vận tải đường hàng không từ Trung Quốc sang Châu Âu đã tăng 5 lần trong tháng 2/2021 so với cùng kỳ năm trước bất chấp việc 2 nền kinh tế trên chưa hoàn toàn hết dịch.
Theo IATA, sự hồi phục trở lại của nền kinh tế và nhu cầu đang tăng nhanh của vận tải thương mại toàn cầu sẽ khiến ngành vận tải hàng không nóng bỏng hơn bao giờ hết từ nay đến cuối năm. Rất nhiều ngành kinh doanh đã chuyển từ vận tải đường biển sang hàng không vì các cảng đóng cửa hay chậm trễ do đại dịch và quá tải.
Nhu cầu tăng mạnh trở lại
Số liệu chỉ cố quản lý thu mua (PMI) cho thấy hoạt động sản xuất và xuất khẩu đang tăng trưởng mạnh trở lại trong vài tháng qua.
Tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh số bán lẻ (RETAILIRSA) tại Mỹ hiện khá thấp cho thấy tốc độ bán lẻ đang dần hồi phục và nhiều doanh nghiệp đang chuyển sang vận tải hàng không để kịp nhận hàng đáp ứng nhu cầu.
Hiệp hội bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) dự báo tăng trưởng bán lẻ tại nước này sẽ đạt 6,5-8,2% trong năm nay. Con số bình quân trong 5 năm tới sẽ là 4,5%.
Đồng quan điểm, Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, cao hơn mức dự báo 5,5% trước đó vào tháng 1/2021. Trong khi đó, các chuyên gia dự đoán nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ sẽ tăng trưởng 4,5-5% trong năm 2021.
Ngoài ra, Bộ thương mại Mỹ (USDC) cũng nhận định dù dịch bệnh nhưng thương mại điện tử đang bùng nổ mạnh và nhu cầu vận tải hàng hóa sẽ ngày một tăng trưởng. Số liệu cho thấy thương mại điện tử đã tăng trưởng 28% trên toàn cầu và 32,4% tại Mỹ.
Một yếu tố nữa khiến những ngành như vận tải hàng hóa đường hàng không sẽ là mảnh đất màu mỡ trong thời gian tới là dược phẩm. Việc hàng loạt công ty dược sản xuất vaccine cùng thiết bị y tế cung ứng cho những nơi cần thiết khiến nhu cầu vận tải giữa Châu Á-Châu Âu và Mỹ trở nên cao hơn bao giờ hết.
Số liệu của IATA cho thấy nhu cầu vận tải hàng hóa đường hàng không tại Bắc Mỹ trong tháng 1/2021 đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất thế giới và cao hơn cả tỷ lệ 4,4% của tháng 12/2020.
Phần lớn các hoạt động vận tải hàng đường hàng không này là với Châu Á qua Thái Bình Dương hoặc điểm trung chuyển ở Trung Đông. Nguyên nhân là sự bùng phát dịch bệnh cũng như thiếu chip điện tử khiến giao thương Châu Á-Bắc Mỹ nóng trở lại.
Sự bùng nổ này là một tín hiệu tốt cho ngành vận tải hàng đường hàng không nhưng lại đang khiến giá cả biến động mạnh. Số liệu của TAC Index cho thấy giá vận tải hàng hóa đường hàng không đã cao hơn 100% so với thời điểm trước khi dịch bùng phát tại các tuyến đường bay chính trong tháng 2/2021.
Chỉ số lợi suất vận tải hàng hóa đường hàng không cho mỗi kg chuyên trở (Yields for Air Carriers) đã tăng 79% trong tháng 2/2021 so với cùng kỳ năm 2019.
Mới đây, "Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn đã xin lập hãng hàng không vận tải hàng hóa với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng. Theo đó, dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo do Công ty cổ phần IPP Air Cargo làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT.
Nếu được chấp thuận, hãng hàng không của ông Johnathan Hạnh Nguyễn sẽ "tấn công" vào thị trường vận tải hàng hóa vốn đang được các hãng nước ngoài thống lĩnh.
Theo Huyền Băng (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)