ANA sẽ mua 8,8% cổ phần của Vietnam Airlines với giá trị 2.431 tỉ đồng. |
Sắp cán đích cổ phần hóa
Sau rất nhiều đồn đoán, sáng 12.1 vừa qua, Vietnam Airlines đã chính thức ra thông cáo xác nhận tên nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn là cổ đông chiến lược: All Nippon Airway (ANA Group), đánh dấu một bước tiến rất quan trọng để khép lại lộ trình cổ phần hóa (CPH) kéo dài khoảng 2 năm của hãng hàng không quốc gia Việt Nam.
Cùng thời điểm, một bản thông cáo với những nội dung gần như tương tự cũng đã được đối tác tương lai của Vietnam Airlines phát đi tại Sở giao dịch Chứng khoán Tokyo - nơi ANA đang niêm yết cổ phiếu.
Theo biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược vừa được ký kết giữa hai hãng, ANA sẽ mua 8,8% cổ phần của Vietnam Airlines với giá trị 2.431 tỉ đồng. Đây là một trong những khoản đầu tư ra bên ngoài Nhật Bản lớn nhất từ trước đến nay của hãng hàng không được thành lập năm 1952.
Khảo sát độc lập của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho thấy, ANA đã trả cho Vietnam Airlines 31.014 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều so với mức giá bình quân thắng thầu trong đợt IPO hồi tháng 11.2014. Tín hiệu này cho thấy, ANA đã đánh giá rất cao tiềm năng phát triển trong tương lai của đối tác Việt.
“Sau khi được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam cùng sự thống nhất giữa Tập đoàn ANA, Vietnam Airlines và các cổ đông, hai bên sẽ tiến hành ký bộ Hợp đồng mua bán cổ phần, dự kiến trong quý I/2016”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Nếu thỏa thuận này được cụ thể hóa, Vietnam Airlines sẽ là doanh nghiệp nhà nước lớn thứ hai (sau thương vụ Mizuho mua 15% cổ phần của Vietcombank) có nhà đầu tư chiến lược là một tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản với số lượng cổ phần được mua vượt quá 100 triệu USD.
Kỳ vọng gì ở đối tác?
Đến hết phiên giao dịch sáng 13.1.2016, cổ phiếu của ANA niêm yết trên Thị trường chứng khoán Tokyo chốt ở mức 333,2 yên/cổ phần, tăng 12,7 yên so với phiên giao dịch gần nhất cho thấy, thị trường thực sự “nhạy” với thông tin hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản sắp trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines.
Mặc dầu vậy, theo một chuyên gia tài chính, sự kiện trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines cần được nhìn nhận theo hướng dài hạn, ngay cả khi lợi ích ngắn hạn có thể mang lại cho ANA là khá tốt. Vietnam Airlines là hãng hàng không truyền thống duy nhất của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng về hành khách lên tới 20% và đạt lợi nhuận kỷ lục 1.400 tỉ đồng trong năm 2015.
Ông Shinya Katanozaka, Tổng giám đốc Tập đoàn ANA cho biết, châu Á là thị trường trọng điểm của ANA trong chiến lược mở rộng quy mô hoạt động quốc tế và Vietnam Airlines là đối tác lý tưởng, bởi chúng tôi có những tương đồng về trình độ phát triển ở mức cao, cách thức tiếp cận khách hàng và hoạt động hiệu quả.
Mạng đường bay của Vietnam Airlines được xây dựng theo mô hình “Trục - Nan”, với tần suất khai thác cao và tập trung quy hoạch nối chuyến qua sân bay cửa ngõ tại TP.HCM và Hà Nội, tham gia khai thác các luồng khách lớn trong khu vực, cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm trung chuyển lớn như Hongkong, Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur.
“Mạng đường bay này sẽ phát huy lợi thế vốn có và phù hợp với mong muốn của một hãng hàng không lớn bậc nhất Nhật Bản”, một chuyên gia nói.
Trong khi đó, theo đánh giá của Vietnam Airlines, ANA là hãng hàng không hàng đầu Nhật Bản, khi trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines sẽ mở ra cơ hội hợp tác hỗ trợ và chuyển giao kinh nghiệm quản trị của một hãng hàng không đứng tốp đầu thế giới cho Vietnam Airlines.
Việc Vietnam Airlines là thành viên của Sky Team, trong khi, ANA nằm trong liên minh Star Alliance sẽ không phải rào cản lớn cho sự hợp tác giữa hai hãng, nhất là khi mở rộng hợp tác đang là xu hướng chủ đạo trong thị trường hàng.
Là hãng hàng không 5 sao, không chỉ đứng trong top các hãng hàng không có dịch vụ tốt nhất thế giới, ANA còn có tổng tài sản lên tới 2.319 tỉ yên (tính đến tháng 9/2015). Quan trọng hơn, đối chiếu với mạng đường bay của hai hãng, ANA không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Vietnam Airlines.
Với 11,2% vốn điều lệ còn dư nằm trong room 20% cổ phần dự kiến bán cho các nhà đầu tư chiến lược, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, Hãng sẽ tiếp tục bán chiến lược để giảm tỷ lệ nắm giữ của cổ đông Nhà nước còn 75%, hướng tới giảm tiếp xuống 65% vốn điều lệ như phương án CPH đã được phê duyệt.
Theo Anh Minh (Báo đầu tư)