Vietnam Airlines đã đề nghị được nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ Nhà ga hành khách T1 tại CHK quốc tế Nội Bài - Ảnh: Khánh Linh |
Cách đây không lâu, Hãng Hàng không giá rẻ Vietjet là doanh nghiệp đầu tiên có văn bản chính thức “ngỏ ý” được nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ Nhà ga hành khách T1 tại Cảng Hàng không (CHK) quốc tế Nội Bài trong thời hạn 20 năm với “mong muốn có được những cơ sở hạ tầng vững chắc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng bền vững của hãng”.
Cùng “ngắm” sân bay này còn có liên danh ba nhà đầu tư trong nước là Công ty CP Dịch vụ hàng không Thăng Long (Taseco), Công ty CP Đầu tư AOV, TCT Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp). Theo đó, liên danh này đã đề nghị Bộ GTVT cho phép được trở thành nhà đầu tư xây dựng mới nhà ga phục vụ các chuyến bay đi và đến Đà Nẵng với công suất 4 triệu hành khách/năm theo hình thức BOT.
Cùng với Nội Bài, Đà Nẵng, CHK quốc tế Phú Quốc cũng “lọt vào tầm ngắm” của các nhà đầu tư khi Công ty CP Tập đoàn T&T đã ngỏ ý đầu tư vào sân bay này theo hai phương án hoặc mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động.
Lý giải về lợi thế kinh doanh của các cảng hàng không Việt Nam, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết: “Chỉ số hành khách đi lại bằng đường hàng không trên dân số của nước ta hiện nay mới là 1/3, trong khi đó của Mỹ là ba lần, Singapore 10 lần. Điều này có nghĩa dư địa để phát triển hàng không còn rất nhiều. Chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục thu hút mạnh mẽ đầu tư phát triển hàng không”.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng “bật đèn xanh” kêu gọi đầu tư vào hàng không khi tuyên bố: “Những dự án tư nhân có thể làm được thì để tư nhân làm, Nhà nước chỉ đầu tư vào những dự án, lĩnh vực mà tư nhân không tham gia và những lĩnh vực Nhà nước phải giữ cổ phần chi phối liên quan đến an ninh quốc phòng”.
Trao đổi với báo chí, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không khẳng định, kinh doanh CHK nếu có tư nhân cùng tham gia đầu tư, khai thác, chắc chắn sẽ có những thay đổi lớn.
Tiềm năng trong lĩnh vực hàng không của Việt Nam còn rất lớn vì chỉ số hành khách đi lại bằng đường hàng không trên dân số mới là 1/3, trong khi ở các nước phát triển có nơi lên đến 10 lần - Ảnh: Thanh Bình |
Cần cơ chế rõ ràng, minh bạch
Liên quan đến việc chuyển nhượng quyền khai thác hạ tầng CHK dân dụng vốn chưa có tiền lệ tại Việt Nam, vấn đề được các cơ quan quản lý cũng như các nhà đầu tư quan tâm chính là khung pháp lý cho việc chuyển nhượng này.
Tại cuộc họp bàn việc xã hội hóa đầu tư hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhấn mạnh: “Việc thực hiện xã hội hóa trên tinh thần phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương số 13-NQ/TW”.
Bộ trưởng cũng giao Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp Vụ Pháp chế và các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở đó hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan để thúc đẩy xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, đưa ra cơ chế rõ ràng, công khai, minh bạch nhằm tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Phía Cục Hàng không Việt Nam, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, để phù hợp với yêu cầu thực tế, cơ quan này vừa bổ sung Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83/2007/NĐ-CP về quản lý, khai thác CHK, trong đó dành riêng một chương quy định về bán, cho thuê, thế chấp và nhượng quyền kinh doanh tài sản gắn liền với đất tại các CHK, sân bay.
Cũng như vậy, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giao Tổng công ty xây dựng ngay phương án chuyển nhượng quyền khai thác CHK quốc tế Phú Quốc; Xây dựng phương án thí điểm nhượng quyền khai thác thương mại sảnh E và Nhà ga T1 của CHK quốc tế Nội Bài cho các nhà đầu tư; Nghiên cứu phương án nhượng quyền khai thác Sân bay Đà Nẵng (cũ) để phục vụ hàng không giá rẻ; Xây dựng kế hoạch cụ thể để đầu tư làm mới, mở rộng một số hạng mục tại các CHK, sân bay dưới nhiều hình thức đầu tư như: Liên doanh, BOT, PPP (mà trọng tâm ở CHK quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh...).
Theo Đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không” vừa được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng phê duyệt, ước tính nhu cầu vốn dành cho lĩnh vực này lên tới 230.215 tỷ đồng cho giai đoạn 2015 -2020. Trong số này, dự kiến khả năng sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và Trái phiếu Chính phủ 30.724 tỷ đồng (13,3%); nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp 23.968 tỷ đồng (10,1%); nguồn vốn ODA 60.541 tỷ đồng (26,4%); vay thương mại 4.615 tỷ đồng (1,7%); phần còn lại (110.367 tỷ đồng) dự kiến huy động nguồn vốn góp cổ phần và hợp tác công - tư (48,4%). |