Theo lịch trình, sáng nay TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, chồng của bà Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên). Tuy nhiên, đại diện của bà Thảo - bà Nguyễn Thị Minh Giang, phòng truyền thông Tập đoàn TNI Corporation (trước đây là Công ty Trung Nguyen Singapore Pte., Ltd) xác nhận, hôm nay bà Thảo có đến phiên tòa nhưng HĐXX đã có quyết định hoãn phiên xử theo nguyện vọng của 2 vợ chồng. Bởi không chỉ có bà Thảo đề đơn xin hoãn phiên tòa, phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng có đơn xin hoãn phiên tòa do đang đi công tác nước ngoài.
Thẩm phán Xuân không có quyền giải quyết đơn khiếu nại?
Trong đơn gửi Chánh án TAND TP.HCM Ung Thị Xuân Hương, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho rằng thẩm phán Nguyễn Văn Xuân ban hành công văn 5174/TATP-TLĐ là... vượt quá thẩm quyền giải quyết khiếu nại, thậm chí nội dung trong công văn này cũng thể hiện nhiều sai phạm trong việc tiến hành tố tụng.
Cụ thể, bà Thảo dẫn chứng, theo điểm a, Khoản 2, Điều 501 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS) thì thẩm phán Xuân là người bị khiếu nại. Theo đó, thẩm phán Xuân chỉ được thực hiện nghĩa vụ của người bị khiếu nại là “Giải trình về quyết định, hành vi trong tố tụng dân sự bị khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu”. Như vậy, khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là Chánh án TAND TP.HCM chưa ban hành bất cứ quyết định giải quyết khiếu nại nào mà thẩm phán Xuân đã ban hành Công văn 5174/TATP-TLĐ để trả lời khiếu nại cũng như đưa ra các yêu cầu khác có liên quan là vượt quá thẩm quyền và không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, bà Thảo cũng cho rằng nội dung trả lời của công văn 5174/TATP-TLĐ còn gián tiếp thừa nhận các sai phạm khi ban hành quyết định 3466/2018/QĐXXST-HNGĐ (Quyết định đưa vụ án ra xét xử) do thẩm phán Nguyễn Văn Xuân ban hành, điều này được thể hiện ở 4 nội dung sau:
Thứ nhất, theo các quyết định của Tòa án, việc định giá các công ty trong vụ án chưa được Hội đồng Định giá tiến hành. Vì vậy, đương nhiên là chưa có quyết định của Hội đồng Định giá về giá các tài sản cần định giá. Chưa kể, kết quả ủy thác của các Tòa án địa phương (tỉnh Bắc Giang, Đăk Nông, Bình Dương và Đăk Lăk) về việc ủy thác định giá đến nay vẫn chưa được gửi về TAND TP.HCM. Do đó, việc thẩm phán Xuân ký quyết định 3466 khi các chứng cứ trong vụ án chưa được thu thập đầy đủ là trái pháp luật.
Thứ 2, trong văn bản số 5174 có nội dung: “Trong trường hợp các đương sự thống nhất với nhau về kết quả thẩm định giá thì việc thành lập Hội đồng Định giá có thể không cần thiết nữa”. Theo bà Thảo, nội dung này cho thấy rõ mục đích của thẩm phán Xuân triệu tập bà nhiều lần sau khi tống đạt Quyết định 3466, bỏ qua các văn bản, trình bày phản đối của bà đối với các chứng thư báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Thẩm định giá Sài Gòn và cố thúc ép bà chấp nhận các chứng thư đó nhằm khắc phục các vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Thứ 3, chứng thư thẩm định đã được thẩm phán Xuân xác định rõ trong văn bản 5174: “Kết quả thẩm định giá của đơn vị thẩm định giá sẽ là cơ sở để Hội đồng Định giá xem xét quyết định”. Theo bà Thảo lý giải: “Thẩm phán Xuân đã biết rõ, chứng thư thẩm định không phải là quyết định của Hội đồng Định giá, không phải là tài liệu mà Tòa án cần thu thập khi ban hành quyết định thành lập Hội đồng Định giá và ủy thác định giá. Theo khoản 5 điều 97 BLTTDS 2015, Tòa phải thông báo cho tôi quyết định của Hội đồng Định giá để tôi thực hiện quyền đối với quyết định của Hội đồng Định giá. Việc thẩm phán thông báo giá theo chứng thư thẩm định cho thấy những sai phạm và thiếu sót trong quá trình tố tụng".
Thứ 4, bà Thảo khẳng định nhiều lần ý kiến phản đối các chứng thư và các ý kiến này cũng được ghi nhận trong các biên bản làm việc. Theo bà Thảo, bà hoàn toàn phản đối các chứng thư báo cáo kết quả thẩm định giá. Do đó, không thể có việc các đương sự thống nhất với nhau về các chứng thư.
“Tại công văn 5174, thẩm phán Xuân liên tục cho rằng tôi chưa có văn bản cụ thể về các chứng thư thẩm định giá và yêu cầu tôi trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận công văn 5174 phải có văn bản ý kiến về các chứng thư này, nếu hết thời hạn mà không có văn bản ý kiến thì Tòa sẽ xem tôi chấp nhận giá mà các đơn vị thẩm định giá đã thẩm định và sẽ áp dụng chứng thư này làm căn cứ xét xử. Tôi cho rằng việc làm này là quy chụp và vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của tôi”, bà Thảo khẳng định.
Các chứng thư thẩm định giá không có giá trị?
Xét theo về mặt tố tụng, vì thẩm phán Xuân đã ký ban hành quyết định định giá tài sản và thành lập các Hội đồng Định giá nên hội đồng này mới có thẩm quyền quyết định giá trị tài sản. Vì vậy, theo bà Diệp Thảo, trong vụ việc này, các chứng thư thẩm định giá là do Công ty TNHH Thẩm định giá Sài Gòn ban hành là hoàn toàn không có giá trị sử dụng như chứng cứ về giá của tài sản trong vụ án vì không được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục của BLTTDS 2015.
Ngoài ra, theo bà Thảo, các chứng thư này đều lựa chọn sơ sở giá trị là giá phi thị trường để tiến hành định giá nên nội dung các chứng thư này cũng vi phạm các quy định về việc phân chia tài sản khi ly hôn theo Khoản 5, điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 6/1/2016 và Khoản 5 điều 104 của BLTTDS 2015 khi yêu cầu giá trị của tài sản khi phân chia, định giá, thẩm định giá phải là giá trị trường.
Đặc biệt, tại Công văn 5174 nêu rõ: “Trong quá trình thẩm định giá, Tòa án đã kết hợp xem xét thẩm định tại chỗ (căn cứ theo các Quyết định xem xét thẩm định tại chỗ đã tống đạt cho các đương sự và các bên liên quan) và các bên cũng được thông báo thời gian, địa điểm và cử người hiểu biết về nghiệp vụ tài chính, doanh nghiệp để đại diện tham gia nên việc thẩm định giá là công bằng, khách quan và khoa học”. Tuy nhiên, bà Thảo khẳng định trong qua trình thẩm định giá, bà hoàn toàn không được cung cấp, tiếp cận đầy đủ các tài liệu về tài sản liên quan đến việc thẩm định giá.
Cũng theo bà Thảo, Công ty TNHH Thẩm định giá Sài Gòn đưa ra giá dựa trên các kỹ thuật, đánh giá, phân tích chuyên môn dựa trên việc đối chiếu, so sánh, đánh giá các tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc thẩm định giá thu thập được và không an can thiệp vào hoạt động này được. Do đó, các chứng thư có đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp, khách quan và khoa học hay không phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của Công ty TNHH Thẩm định giá Sài Gòn và phải đánh giá xem xét dựa trên kết quả thẩm định giá, chứ nhận định của thẩm phán Xuân tại công văn 5174 là hoàn toàn chủ quan.
Theo Quốc Hải (Dân Việt)