Vì sao Sabeco muốn nhanh chóng thành công ty 100% nước ngoài?

24/11/2018 09:14:04

Áp lực từ các khoản vay và lộ trình thay đổi chính sách về ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xem là lý do khiến HĐQT Sabeco ra nghị quyết nới room cho khối ngoại lên 100%.

HĐQT Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mới đây đưa ra Nghị quyết số 111A/2018 thông qua việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp.

Giới phân tích cho rằng ngoài mong muốn tái cơ cấu Sabeco thì việc chạy đua với áp lực nợ vay và thay đổi chính sách đang khiến lãnh đạo doanh nghiệp muốn đẩy nhanh tiến trình làm chủ doanh nghiệp nội.

Cơ cấu Vietbev, giảm áp lực vay

Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của Sabeco, Bộ Công Thương đang thay mặt Nhà nước nắm giữ 36% vốn điều lệ, Công ty TNHH Vietnam Beverage (Vietbev) nắm 53,59% và các cổ đông khác nắm giữ 10,41%.

VietBev là pháp nhân mới được thành lập trước phiên đấu giá trị giá 5 tỷ USD chỉ 2 tháng, và vốn điều lệ vỏn vẹn 682 tỷ đồng. Trong cơ cấu cổ đông của VietBev có sự góp mặt của BeerCo Limited (BeerCo), một trong những công ty thuộc “hệ sinh thái” của tập đoàn ThaiBev, do tập đoàn này sở hữu 100% vốn điều lệ. BeerCo nắm giữ 49% vốn điều lệ của VietBev. Tỷ lệ sở hữu này vừa đủ để giúp VietBev không bị áp “room” 49% đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco trong khi vẫn giúp ThaiBev thâu tóm tới hơn 53% vốn điều lệ.

Cho đến nay, “bài giải” của ThaiBev vẫn thường được nhắc đến là một trong những cách giúp nhà đầu tư nước ngoài “lách” các quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Việt Nam trong các thương vụ thâu tóm vượt mức giới hạn.

Vì sao Sabeco muốn nhanh chóng thành công ty 100% nước ngoài?
Tỷ phú Thái Lan đang muốn chuyển dịch cơ cấu cổ đông của Vietbev sang Thaibev.

Ngay sau khi dùng pháp nhân Việt Nam để vượt trần tỷ lệ sở hữu, tỷ phú Charoen cũng không ngại xuất hiện trên văn bản gửi tới Chính phủ Việt Nam bày tỏ quan ngại về việc chưa được điều hành trực tiếp Sabeco sau thương vụ trên.

Sau đó là một loạt thay đổi trên cương vị lãnh đạo Sabeco cùng với việc tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ các công ty con.

Mới đây, tại Hội nghị Tầm nhìn 2020 của ThaiBev, ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc Sabeco, cũng đã truyền tải những thông điệp chính trong việc tái cơ cấu Sabeco.

“Sẽ tập trung cải cách để tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí hoạt động, nhằm tăng năng suất so với thời được điều hành bởi Nhà nước. Tuy nhiên việc thay đổi này không tập trung vào tốc độ mà tập trung vào sự mạnh mẽ, chắc chắn và lôi cuốn như một bản slow rock”, ông nói.

Sabeco dưới triều đại Thaibev có thể sẽ là một quan bài tẩy chiến lược giúp tập đoàn này cán đích mục tiêu 50% doanh thu ở nước ngoài đến năm 2020. Thương hiệu bia đến từ Việt Nam đủ mạnh để khai tác cả thị trường Đông Dương và Myanmar trong kế hoạch của họ. Cơ sở thống kê đầu tiên để chúng minh điều này là khi sở hữu Sabeco, thị phần của Thaibev đã được nâng lên 24% trong khu vực ASEAN.

Động thái mới nhất về việc HĐQT của Sabeco thông qua việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp có thể mở đường cho việc chuyển đổi cổ đông từ Vietbev sang một nhà đầu tư khác, mà có thể chính là ThaiBev.

Câu chuyện này, theo giới phân tích, rất có thể nhằm xử lý việc vay vốn nước ngoài trước đó của Vietbev khi mua Sabeco.

Báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện vay và trả nợ công năm 2017 của Chính phủ hồi giữa năm 2018 cho thấy cuối năm 2017, dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến 73% so với năm 2016, cán mốc 21,9 tỷ USD. Trong đó, chủ yếu là khoản vay nước ngoài ngắn hạn của Công ty TNHH Vietnam Beverage, với khoảng 5 tỷ USD để mua cổ phần của Sabeco hồi tháng 12/2017, chiếm khoảng 1/4 tổng số nợ.

Các thông tin công khai cũng cho thấy, ThaiBev đã phải vay ngân hàng gần 5 tỷ USD để lo liệu thương vụ mua vốn Sabeco và phải thanh toán trong vòng 24 tháng. Để có tiền trả nợ, ThaiBev sẽ phát hành 4 đợt trái phiếu dài hạn trong năm 2018 và 2019.

Nới room ngoại và cuộc chạy đua chính sách

Sau khi nắm quyền điều hành trực tiếp Sabeco, nhóm tỷ phú Thái Lan đang thực hiện những cuộc “tiểu phẫu” để hoạt động của Sabeco trở nên tinh gọn hơn.

Động thái đầu tiên là vào tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH Vietnam Beverage đã gửi văn bản tới Bộ Công Thương và bộ phận đại diện phần vốn Nhà nước tại Sabeco với đề xuất sửa đổi điều lệ Sabeco theo hướng bỏ một số ngành nghề kinh doanh nhằm nới room ngoại lên 100%.

Theo đề xuất này, Sabeco muốn bỏ “gạo”, “đường mía”, “đường củ cải” khỏi ngành nghề kinh doanh thuộc mã 4632; bỏ “định giá”, “đấu giá”, “quảng cáo” khỏi ngành nghề kinh doanh thuộc mã 6820; bỏ toàn bộ ngành nghề kinh doanh thuộc mã 6820 (quảng cáo thương mại); bỏ toàn bộ ngành nghề kinh doanh thuộc mã 7912 (kinh doanh du lịch lữ hành nội địa, quốc tế).

Vì sao Sabeco muốn nhanh chóng thành công ty 100% nước ngoài? - 1
Luật Chứng khoán sửa đổi có thể là lý do khiến Sabeco muốn nhanh chóng nới room khối ngoại. 

Theo quan điểm của lãnh đạo VietBev, “các ngành nghề được đề nghị điều chỉnh nêu trên không phải là ngành nghề mà Sabeco đang kinh doanh và cũng sẽ không triển khai các hoạt động này trong tương lai, nên việc loại bỏ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Sabeco”.

Hơn nữa, các ngành kinh doanh này hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco. Do vậy, việc loại bỏ/sửa đổi những ngành nghề này sẽ giúp Sabeco không còn hạn chế sở hữu nước ngoài, qua đó tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu cũng như dễ dàng thu hút thêm dòng vốn ngoại.

Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán đang được lấy ý kiến rộng rãi cũng tạo áp lực đẩy nhanh tốc độ cho mục tiêu nới 100% vốn ngoại. Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi Luật Chứng khoán - đã đề xuất, với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa cam kết về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hoặc không đưa vào Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và các điều ước quốc tế khác, thì chỉ nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không hạn chế sở hữu nước ngoài.

Theo ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bộ này đã báo cáo Chính phủ và Quốc hội, đưa Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán trình Quốc hội lấy ý kiến vào kỳ họp đầu tiên và xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 2 năm 2019.

Dự thảo Nghị quyết của HĐQT Sabeco về tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài, vì thế, được đưa ra như là một cuộc chạy đua về chính sách.

Không còn dính líu đến gạo, đường mía, đường củ cải, Sabeco vẫn có ngành nghề kinh doanh sản xuất đồ uống với mã ngành 1101, trong đó có rượu. Trong danh mục 23 công ty con và 20 công ty liên doanh, liên kết tính tới ngày 30/6, ngoài sở hữu 93,32% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Rượu Bình Tây (93,32%), Sabeco còn có 10 công ty con và không dưới 5 công ty liên kết liên quan đến sản xuất và kinh doanh rượu. Đáng nói là, rượu cũng là mặt hàng thuộc Danh mục 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định hiện hành.

Hiện tại, theo quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán có quy định rõ: “Đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%”.

“Nếu nhà đầu tư ngoại muốn nắm quá 49% vốn điều lệ tại Sabeco trước thời điểm Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua sẽ phải cân nhắc tình tiết này. Hiện tại, ở Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội, nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ được nắm chưa đến 49% vốn điều lệ, dù trước đó, họ cũng mong đợi nhiều hơn”, một chuyên gia ngành sản xuất đồ uống nhấn mạnh.

Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật