Vì sao Phú Mỹ Hưng chậm chia lãi ngàn tỉ cho TP.HCM?

26/05/2015 09:56:47

Một số doanh nghiệp nhà nước liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài nhiều năm liền có lợi nhuận rất lớn nhưng phía nước ngoài không chia, trong đó có Phú Mỹ Hưng.

Một số doanh nghiệp nhà nước liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài nhiều năm liền có lợi nhuận rất lớn nhưng phía nước ngoài không chia, trong đó có Phú Mỹ Hưng.

Một góc khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư kiến nghị điều chỉnh quy định về chia lợi nhuận với trường hợp liên doanh giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và nước ngoài theo hướng doanh nghiệp liên doanh phải chia lãi hằng năm sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác.

Theo UBND TP.HCM, qua rà soát hoạt động của các tổng công ty, công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, có một số DNNN liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài nhiều năm liền có lợi nhuận rất lớn nhưng phía nước ngoài không chia. Trong khi đó, do tỉ lệ nắm giữ vốn DNNN trong các liên doanh này ít hơn nên không quyết định được việc chia lợi nhuận.

Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, được thành lập năm 2003, là liên doanh giữa UBND TP.HCM do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) làm đại diện và Công ty Phu My Hung Asia Holdings Corporation (PMH AH, trước đây là Tập đoàn Central Trading and Development), có vốn pháp định 60 triệu USD - phía Việt Nam góp 18 triệu USD bằng quỹ đất (chiếm 30%), nước ngoài góp 42 triệu USD (70%).

Điển hình là trường hợp Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng, liên doanh giữa Công ty Phu My Hung Asia Holdings Corporation (PMH AH) và Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC (100% vốn nhà nước thuộc UBND TP.HCM).

Theo UBND TP.HCM, từ năm 2010-2014 Công ty Phú Mỹ Hưng (PMH) có lợi nhuận cao. Phía Việt Nam nhiều lần yêu cầu chia lãi nhưng hội đồng thành viên của PMH vẫn quyết định không chia cho các bên góp vốn, trong đó ước tính khoản lợi nhuận phải chia cho phía Việt Nam khoảng 1.444 tỉ đồng.

Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Công ty PMH cho rằng hiện công ty đang gặp khó khăn nên chưa chia lợi nhuận cho các thành viên.

Theo vị này, tính đến năm 2010, Công ty IPC đã được chia lợi nhuận và thực nhận 2.425 tỉ đồng. Nhưng thời gian qua hoạt động kinh doanh của liên doanh gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản không thuận lợi, trong khi Công ty PMH đã đầu tư xây dựng các công trình có quy mô lớn như khu The Crescent (2.000 tỉ đồng) để nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút khách hàng.

Ngoài ra, từ năm 2011 công ty liên doanh phải đóng tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chưa ký hợp đồng mua bán (khoảng 63ha) với số tiền gần 6.000 tỉ đồng. Để giải quyết các gánh nặng về tài chính, thông qua hội đồng thành viên, Công ty PMH đã huy động tất cả các nguồn lực về tài chính, kết hợp vay ngân hàng.

“Tuy việc kinh doanh có chiều hướng phục hồi, có lợi nhuận nhưng liên doanh vẫn chưa trút bỏ được gánh nặng về tài chính. Do đó, thông qua tỉ lệ biểu quyết 67% hội đồng thành viên, công ty đã thống nhất tạm thời không chia lãi cho cả hai bên trong liên doanh, để lại nguồn lãi thu được từ kinh doanh để tái đầu tư, phát triển kinh doanh.

Quyết định trên (7-5-2014) được đưa ra dựa trên bài toán kinh doanh và hướng đến lợi ích lâu dài của liên doanh, bởi nếu chia lợi nhuận cho phía Việt Nam (IPC) 30% thì phải chia lợi nhuận cho phía nước ngoài (PMH AH) là 70%” - vị này nói.

Ông cho rằng phía đối tác nước ngoài trong liên doanh (PMH AH) cũng muốn được chia phần lợi nhuận của mình để chuyển về nước. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính của công ty, nếu thực hiện việc chia lợi nhuận cho hai bên, công ty buộc phải vay tiền ngân hàng (với lãi suất 10 %/năm), tiền lãi này sẽ cấu thành chi phí của công ty, làm giảm lợi nhuận của các năm sau đó. Cộng với các khoản vay hiện tại, gánh nặng tài chính của liên doanh sẽ là rất lớn. Tất nhiên, IPC cũng phải chia sẻ 30% gánh nặng đó.
 

Một hình thức chiếm dụng vốn để đầu tư

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư cho rằng việc giữ lại cổ tức không chia như trường hợp liên doanh Phú Mỹ Hưng có thể hiểu thực chất đây là một hình thức chiếm dụng vốn để đầu tư. Bộ Kế hoạch - đầu tư chắc chắn sẽ có nghiên cứu để trả lời UBND TP.HCM.

Tuy nhiên, vị này chia sẻ quan điểm cá nhân rằng cổ tức theo quy định của pháp luật chưa có bắt buộc phải chia từng năm mà thường theo thỏa thuận giữa các bên góp vốn. Thực tế khi tham gia liên doanh, phía đối tác góp vốn của Việt Nam có thể yêu cầu ký thỏa thuận về việc chia cổ tức. Bản thân UBND TP.HCM cũng có thể có những động thái mạnh với phía Phú Mỹ Hưng, “ví dụ có thể tính đến khả năng chấm dứt liên doanh, yêu cầu đăng ký lại từ đầu” - vị này nói.

C.V.KÌNH

 
Theo Đình Dân (Tuổi Trẻ)