|
Nhân viên Petrolimex gần đây liên tục phải bắc thang treo biển tăng giá xăng (Ảnh chụp ngày 20/5). Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Nhìn nhận kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chỉ ra hai lý do lãi lớn của Petrolimex. Đầu tiên là việc tăng lãi định mức. “Có thể do doanh nghiệp kêu lỗ năm trước, nhân lúc giá xăng dầu giảm, nên nhà nước “đền bù” cho doanh nghiệp”, ông Phong nhận định. Lý do nữa là cơ quan quản lý hiện tại (Bộ Công Thương) không công bố minh bạch và nói rõ lãi của doanh nghiệp từ xăng dầu như thế nào.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự phát triển tốt, doanh nghiệp độc quyền lãi quá lớn. Trước đây, nhà nước duy trì việc điều tiết để doanh nghiệp chỉ lãi 100 đồng-150 đồng/lít, nay lên 300 đồng/lít. “Cần tính toán lại khoản lãi của doanh nghiệp, khi đó, Nhà nước không bị kêu mà người dân cũng được hưởng lợi một chút”, ông Phong nhận định.
Về bức xúc của người dân, việc tăng thuế bảo vệ môi trường có thể đẩy giá xăng lên cao, theo vị chuyên gia này, cần xem xét thấu đáo. “Thuế bảo vệ môi trường tăng lên 3.000 đồng/lít, trong khi thuế suất thuế nhập khẩu giảm từ 35% xuống còn 25%, thực tế chỉ đẩy giá xăng tăng vài trăm đồng, không phải là lớn”, ông Phong phân tích. Nhưng đúng là thời điểm quyết định tăng giá xăng trong nước lúc giá thế giới đang đi xuống không hợp lý. “Điều này gây bức xúc cho người dân là điều dễ hiểu”, ông Phong nhận xét.
Theo Tuấn Đức (Tiền Phong)