Trong báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện các nghị quyết sau chất vấn, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cho vay bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro với ngân hàng. Nguyên nhân là quy định pháp luật với thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, nhất là các quy định với những loại hình bất động sản mới (codotel, căn hộ văn phòng officetel...). Ngoài ra, đầu tư kinh doanh bất động sản là kênh đầu tư có kỳ vọng lợi nhuận cao dễ dẫn đến đầu cơ trên thị trường hay vẫn còn tình trạng mất cân đối cung cầu tại một số phân khúc.
Không riêng bất động sản, các khoản cho vay với dự án BOT, BT giao thông cũng được Ngân hàng Nhà nước "điểm danh" trong danh sách có nguy cơ rủi ro cho nhà băng. Đa phần các dự án BOT, BT giao thông có tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay dài trong khi năng lực tài chính chủ đầu tư hạn chế và tài sản đảm bảo chủ yếu là quyền thu phí... Những điểm yếu này khiến nguy cơ các khoản vay của các nhà đầu tư BOT, BT giao thông "chuyển sang nhóm nợ xấu rất lớn".
Chưa kể, việc cấp tín dụng đối lĩnh vực chứng khoán cũng tiềm ẩn rủi ro do thị trường chứng khoán Việt Nam còn hạn chế so với các thị trường phát triển, chuẩn mực kế toán và minh bạch thông tin còn khoảng cách so với quốc tế; khung pháp lý về hoạt động của thị trường chứng khoán chưa hoàn thiện, tiềm ẩn rủi ro đối với nhà đầu tư cũng như an toàn vốn tín dụng.
Đến hết tháng 3, tăng trưởng tín dụng vào BĐS (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) đã chậm lại, giảm 2,4% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn chiếm tới 18% tổng dư nợ nền kinh tế. Cùng kỳ năm 2018, tỷ trọng này là 15,94%. Tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông ước đạt 103.573 tỷ đồng, giảm 3,43%, chiếm 1,39%. Ngược lại, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán ước tăng 2,64% so với cuối năm 2018, chiếm 0,39% (mức tăng cùng kỳ năm 2018 là 0,24%, chiếm tỷ trọng 0,38%);
Trong khi đó, việc triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù còn gặp nhiều khó khăn như: nợ xấu chương trình cho vay hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá ngày càng gia tăng (đến cuối năm 2018, nợ xấu chiếm 17%) một phần do người dân thiếu ý thức trả nợ vay, các ngân hàng chậm được Bộ Tài chính quyết toán số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng vay vốn nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg,...
Báo cáo lần này cơ quan quản lý tiền tệ cũng nhận diện những hệ luỵ của loại hình tín dụng đen. "Hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội và hoạt động ngân hàng", báo cáo đề cập.
Theo NHNN, đối tượng vay tín dụng đen chủ yếu để đáp ứng các nhu cầu bất hợp pháp (cá độ, lô đề, cờ bạc,...) nhưng dùng nhiều biện pháp để khống chế người vay (chỉ ghi nhận nợ là tổng số nợ, hoặc ghi nhận tiền chạy việc,...). Trong khi đó, các quy định pháp luật hiện còn bất cập, các cơ quan tư pháp khó quy kết hành vi cho vay nặng lãi theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Quốc hội chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân thống nhất thực thi các quy định pháp luật trong đấu tranh tội phạm liên quan tín dụng đen.
Theo Lê Thúy (Dân Việt)