Ảnh minh họa. |
Hàng loạt tập đoàn đa quốc gia đình đám thế giới đang đầu tư kinh doanh, cung cấp dịch vụ tại Việt Nam có nghi án chuyển giá, trốn thuế như Coca-Cola, Metro, Keangnam Vina...
Mất quyền đánh thuế vì hiệp định tránh đánh thuế hai lần?
Thế nhưng, những nghi án đưa ra vẫn chỉ là “nghi án”, khi mà đến thời điểm này hầu như số vụ việc bị phát hiện chuyển giá, trốn thuế chính thức mới chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Trong đó, phải kể đến vụ việc đình đám nhất liên quan đến việc cơ quan ngành thuế kết luận hãng phân phối của Đức – Công ty Metro Cash & Carry có vi phạm.
Theo đó, sau đợt thanh, kiểm tra về chống chuyển giá tại Tập đoàn đa quốc gia này cơ quan thuế của Bộ Tài chính khẳng định đã phát hiện nhiều vi phạm tại doanh nghiệp và yêu cầu xử lý, truy thu nộp vào ngân sách Nhà nước 507 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là hành vi chuyển giá thông qua giao dịch liên kết với công ty mẹ tại Đức.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Phó trưởng ban cải cách Tổng cục thuế (Bộ Tài chính), việc ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với nhiều nước không chỉ khiến cho việc truy thu thuế gặp nhiều thách thức, mà còn “làm khó” các lực lượng chức năng trong việc giành quyền kiểm soát thuế, đánh thuế với các DN nước ngoài khi có vấn đề liên quan đến chuyển giá, trốn thuế.
Dẫn chứng với Hà Lan là nước mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần vào năm 1995, ông Tiến cho biết theo quy định quốc tế thì nơi nào có luật thì tòa án phải xử ở đấy, dù tranh chấp tài sản là bất động sản nhỏ đến đâu thì quyền tài phán cũng là nơi có tài sản ấy.
Như vậy, đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng mà Việt Nam ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần được quyền xét xử tài sản ở Việt Nam và cơ quan chức năng Việt Nam không có quyền tài phán trong việc đánh thuế hay xử lý các vấn đề khác.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo ông Tiến, là do Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với nhiều nước/quốc gia trong giai đoạn chưa phát triển nền kinh tế thị trường. Do đó, chưa hiểu biết hết về kinh tế thị trường và những vấn đề liên quan nên phải chịu phần bất lợi khi thực thi Hiệp định.
Cơ quan thuế phải "đau đầu"
Đặt trong bối cảnh nền kinh tế số, với nhiều thách thức thuế liên quan xác định đặc điểm thu nhập, trong khi chủ thể lại không cần hiện diện nên ông Tiến cho rằng vấn đề khai thuế, quản lý và kiểm soát thuế như thế nào cũng là đặt ra với cơ quan quản lý ngành thuế. Trong khi hiện nay, chính sách thuế chưa có quy định rõ ràng, chưa tương thích để có thể quản lý có hiệu quả hoạt động này.
Bên cạnh đó, nguyên tắc xác định tiêu thụ hàng hóa cũng là vấn đề được đặt ra. Đặc biệt với những giao dịch xuyên biên giới, cá nhân mua và đặt hàng trực tiếp trên mạng vấn đề đặt ra với cơ quan chức năng là thu thuế và xem xét lại thuế nhà thầu. Bởi vấn đề này liên quan đến việc bảo hành công trình của doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam.
Ngoài ra, vấn đề chính sách thuế phải thay đổi do những điều kiện và phương thức hoạt động trong nền kinh tế số, chức năng của DN và các hoạt động trong khái niệm sản xuất trực tiếp thay đổi. Do đó, ông Tiến thừa nhận những vấn đề trên không chỉ làm cho nhà quản lý đau đầu mà cả những nhà chính sách thuế cũng phải đau đầu với hoạt động này.
“Nếu cúng ta không làm lại thuế thì ta mất thuế và cần phải có tiếng nói của của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành cùng Chính phủ trong việc định hướng lại quyền đánh thuế. Nghiên cứu và kiểm tra lại từ khâu xem xét cơ sở thường trú, những nội dung trong hiệp định tránh đáh thuế hai lần. Tới đây chúng tôi sẽ có khuyến nghị” – ông Tiến khuyến nghị.
Theo Cẩm An (BizLIVE.vn/Tri Thức Trẻ)