Nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển khiến thu nhập người dân ngày càng cải thiện và tăng lên đáng kể. Nhiều nhận định cho rằng giá bất động sản Việt Nam hiện đang bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực tế khiến phần lớn người lao động có nhu cầu mua ở thực tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… không đủ khả năng sở hữu nhà ở.
Theo chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh, hiện giá bất động sản tại TP.HCM bị đẩy lên quá cao khiến nhiều người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở. Theo ông Chánh, với mức thu nhập từ 6 - đến dưới 10 triệu đồng một tháng, trừ chi phí sinh hoạt và tiền thuê nhà hàng tháng nếu mua căn hộ có giá khoảng hơn 1 tỷ đồng, mỗi hộ gia đình chỉ được chi tiêu sinh hoạt ở mức tối thiểu và tiết kiệm liên tục trong vòng khoảng 15 - 17 năm.
Còn chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, giá bất động sản ở Việt Nam hiện quá cao so với thu nhập người bình quân của phần lớn người mua. Nhưng nếu so sánh theo từng vị trí, tuỳ từng khu vực thì giá bất động sản Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều nước phát triển. Chẳng hạn, căn hộ cao cấp, có vị trí đắc địa tại khu vực trung tâm TP.HCM có giá từ 100 triệu đồng - 200 triệu đồng/m2 là quá cao nhưng cũng ở vị trí đẹp, trung tâm của một số thành phố như Hong Kong thì căn hộ vài chục triệu USD không hiếm.
Tuy nhiên ông Hiển, nếu so sánh trên cơ sở thu nhập đầu người thì quả thực, giá bất động sản ở Việt Nam cao hơn so với nhiều nước. Ông Hiển tính toán, nếu người lao động tại TP.HCM bình quân mất 20 năm, thậm chí có người 30 năm mới đủ mua một căn hộ trung cấp thì ở các nước phát triển khác chỉ mất khoảng 7 - 10 năm.
Cũng theo ông Hiển, bên cạnh rào cản về thu nhập thì một khó khăn vô cùng lớn cản trở người lao động có nhà đó là vấn đề lãi suất. Ở nhiều nước, người lao động có thể mua trả góp 30 năm với lãi suất thấp, thậm chí 2-3% nên số tiền phải chi trả hàng tháng cho căn nhà không quá lớn. Trong khi đó người lao động Việt Nam phải trả lãi suất cho vay lên đến 10% khiến số tiền góp hàng tháng rất lớn, thậm chí quá cả mức thu nhập.
Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, giá nhà ở TP.HCM hiện cao gấp từ 20 - 25 lần so với mức thu nhập bình quân của người dân, điều này đã tạo ra rào cản đối với người có thu nhập thấp muốn tạo dựng nhà ở. Hiện căn hộ nhà ở thương mại 2 phòng ngủ tại TP.HCM có giá khoảng trên dưới 2 tỷ đồng. Với cặp vợ chồng có 1 con và thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, tiết kiệm lắm cũng chỉ được khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng nếu không được hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội thì giấc mơ tạo lập nhà ở càng xa vời.
Đồng quan điểm trên, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho rằng, nếu thu nhập khoảng 20 triệu đồng thì đừng nghĩ đến việc mua nhà mà giải pháp thuê là an toàn nhất. Theo ông Phúc, với thu nhập 20 triệu đồng/tháng chỉ phù hợp với mua nhà dưới 1 tỷ đồng/căn nhưng hiện tại nguồn cung này gần như "tuyệt chủng" trên thị trường. Với thu nhập 20 triệu mỗi tháng, trong khi giá căn hộ khoảng 2 tỷ đồng thì người mua sẽ không trả nổi nợ vay.
“Nếu thu nhập không đủ thì đừng dại mua nhà vì sẽ bị áp lực về tài chính cho bản thân. Đi thuê nhà và tích lũy đủ lớn, thu nhập ổn định trong một thời gian dài hãy nghĩ đến việc mua nhà”, ông Phúc chia sẻ thêm.
Thực tế cho thấy, nhu cầu nhà ở của người dân hiện nay rất lớn nhưng thị trường thì chưa nhiều sản phẩm đáp ứng được nhu cầu này. Chưa kể, mặt bằng giá nhà đất leo thang đã khiến nhu cầu sở hữu nhà của phần lớn người dân ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, với giá bất động sản tăng vọt lên 50%, có nơi cả 100% và thậm chí 200% chỉ trong vòng vài năm trở lại đây trong khi mức tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng gần 7%/năm, mức tăng thu nhập bình quân đầu người cũng chỉ ở mức 7-8%/năm thì rõ ràng mức tăng giá bất động sản đã vượt quá xa tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Do đó, xét về triển vọng ngành, bất động sản vẫn được giới phân tích đánh giá khá thận trọng trong giai đoạn này vì những rủi ro mang tính ngắn hạn.
Theo Khánh Chi (Nguoitieudung.vn)