Về cung tín dụng cho nền kinh tế, tính đến 31/1, cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 1% so với đầu năm, đây là tháng 1 có tăng trưởng tốt nhất trong 5 năm gần đây. Xét theo cơ cấu tín dụng, cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn tiếp tục duy trì ổn định kể từ tháng 12/2014. Tín dụng ngắn hạn chiếm 45% tổng tín dụng, tín dụng trung và dài hạn chiếm 55% tổng tín dụng; cơ cấu tín dụng theo loại tiền: tín dụng VND tiếp tục chiếm hơn 91% tổng tín dụng (cùng kỳ năm 2016: chiếm 90,8%). Tín dụng bằng VND tăng 1,6% trong khi tín dụng bằng ngoại tệ tăng 1,2% (cùng kỳ 2015 lần lượt là 1,1% và -3,5%). |
"Số nợ xấu bán cho VAMC được xử lý còn ở mức khiêm tốn cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn không giảm được nhiều trong năm 2016. |
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, việc tín dụng tăng cao hơn (1,6%) trong khi huy động giảm trong tháng 1 (-1,6% so với cùng kỳ năm ngoái) khiến tỷ lệ LDR (tín dụng/huy động) bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tăng từ mức 86,8% cuối năm 2016 lên 88,2%. Thanh khoản của hệ thống căng thẳng nhẹ trong thời gian qua cũng được thể hiện trên thị trường liên ngân hàng, biểu hiện qua việc lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã tăng lên mức khoảng 5% trong tháng 1 và hiện giảm khoảng 1,5 điểm % trong tháng 2 và việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bơm ròng hơn 200,311 nghìn tỷ đồng trong tháng 1 nhằm hỗ trợ thanh khoản của hệ thống.
Sang tháng 2, khi thanh khoản ổn định trở lại, NHNN đã hút về khoản tương ứng (202,943 nghìn tỷ đồng). Lũy kế từ đầu năm 2017, NHNN đã bơm ròng khoảng 30.000 tỷ đồng.
Xét về lãi suất, trên thị trường 1, mặt bằng lãi suất huy động không có nhiều biến động so với tháng trước. Tuy nhiên, ở một số ngân hàng thương mại (cụ thể tại các ngân hàng như VPBank, DongA Bank, TPBank, Techcombank, Phương Đông, Eximbank) đã ghi nhận hiện tượng lãi suất huy động VND kỳ ngắn hạn tăng nhẹ từ 0,1-1,2% so với thời điểm trước Tết nguyên đán, một phần do tác động của quy định lãi suất tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 50% áp dụng kể từ 1/1/201711 và nhu cầu cân đối nguồn trước Tết. Trong khi đó, lãi suất cho vay tiếp tục ổn định.
Đề cập tới xử lý nợ xấu, báo cáo nhấn mạnh: Năm 2017 được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện về khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu tại một số ngân hàng yếu kém, từ đó hỗ trợ mục tiêu ổn định lãi suất. Trong số nợ xấu đã được xử lý từ năm 2012-2015 (khoảng 500 nghìn tỷ đồng), chủ yếu các tổ chức tín dụng tự xử lý chiếm 55,4%, số còn lại là bán cho VAMC.
"Song, số nợ xấu bán cho VAMC được xử lý còn ở mức khiêm tốn cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn không giảm được nhiều trong năm 2016 mặc dù các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tỷ giá ổn định hỗ trợ tích cực", Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phân tích.
Dẫn dữ liệu từ NHNN, báo cáo cho thấy, tính đến 31/12/2016, nợ còn phải xử lý tại VAMC khoảng 190.000 tỷ đồng; nợ tồn đọng tại khâu thi hành án tính đến 30/9/2016 là khoảng 58.998 tỷ đồng. Trong năm 2017, VAMC đặt mục tiêu xử lý 33 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Dù còn tồn tại những yếu kém, nhưng theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, việc xử lý nợ xấu tại VAMC đang có chiều hướng tích cực với những bước đi cụ thể, rõ ràng hơn. Đó là việc đề xuất xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu của NHNN trong đó có nêu một số cơ chế riêng cho VAMC và các NHTM trong quá trình xử lý nợ xấu. Đồng thời, các TCTD cũng đã chủ động hơn trong việc tự xử lý nợ xấu, điển hình như Vietcombank đã nhận về hết nợ xấu đã bán cho VAMC và VietinBank đặt mục tiêu tương tự trong năm 2017.
Theo An Hạ (Dân Trí)