Trả tiền lẻ và đỗ xe khiến quốc lộ 5 ùn tắc kéo dài trong chiều tối ngày 4/9 vì người dân không đồng tình với hoạt động thu phí tại đây nhằm hoàn vốn cho dự án BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Câu hỏi đặt ra là tại sao người dân đi đường này lại phải trả phí cho đường khác?
Trước khi có cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các phương tiện đi trên quốc lộ 5 vẫn phải nộp phí với mức 10.000 đồng/lượt/trạm/xe tiêu chuẩn. Nhưng nay, mức phí này tăng gấp nhiều lần và dao động từ 40.000 - 180.000 đồng/lượt (tùy loại xe).
Phản đối mức phí nói trên, chiều 4/5, một số tài xế lái xe tải, xe bồn đã tập trung tại trạm thu phí số 1 quốc lộ 5 đoạn qua huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, sử dụng tiền lẻ mua vé qua trạm và đỗ xe tại trạm khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ gây ùn tắc kéo dài.
Nói về vấn đề phí, nhiều bạn đọc Dân trí nêu quan điểm: Chúng ta là người dân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước, không thiếu một đồng, nhưng cương quyết không trả một xu nếu như đó không phải là vì mục đích thật. Nếu đi đường BOT thì trả phí không thiếu một xu, nhưng nếu không đi đường BOT thì một xu cũng không trả. Pháp luật luôn đứng về phía sự thật chân lý và lẽ phải.
Tài xế xe tải, xe bồn đỗ xe tại trạm thu phí số 1, gây ùn tắc trên Quốc lộ 5 chiều tối 4/9 |
Bạn đọc Nguyễn Đình Sự phản ánh tới Dân trí: “Hải Phòng - Hà Nội có quốc lộ 5 là đường độc đạo khi chưa có cao tốc. Nay có cao tốc thì ai thích đi thì trả tiền, quốc lộ 5 nên trả lại tên cho nó là quốc lộ 5, không nên thu thuế để san sẻ tổn thất cho cao tốc. Dân đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi nếu thu thêm tức phí chồng phí, dân sao chịu nổi”.
Đề cập về mức phí cao, bạn đọc Chunghuy70 cho biết: “Trạm thu phí quá bất hợp lí trên quốc lộ 5. Nhà tôi ở Dù Nghĩa nhưng làm tại Quán Toan - Hải Phòng, hàng ngày tôi đi ô tô qua trạm mặt 100.000 đồng chỉ đi được có 8 km, đắt hơn vàng!”.
Để vãn hồi tình hình chiều 4/9, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã phải điều động 200 cảnh sát cơ động đến khu vực trạm để đảm bảo trật tự. Cùng đó, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông cũng được huy động để phân luồng giao thông, ứng phó với ùn tắc.
“Hỗ trợ chính sách chứ không phải thu phí BOT” (?)
Năm 2007, Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) làm thí điểm Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Dự án được VDB giao cho Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) làm chủ đầu tư, thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm quốc gia.
Theo Nghị định 108, Nhà nước phải đứng ra giải phóng mặt bằng (GPMB) và bàn giao mặt bằng sạch để nhà đầu tư triển khai dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhưng do không có vốn nên 4.000 tỷ đồng tiền GPMB đã được Vidifi “ứng” trước.
Quyết định của Thủ tướng về việc áp dụng thí điểm Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trong đó cho phép chủ đầu tư thu phí trên Quốc lộ 5 |
Ngày 29/11/2007, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1621 về một số cơ chế chính sách thí điểm đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nêu rõ: Vidifi được quản lý, thu phí trên quốc lộ 5 từ khi Bộ Giao thông vận tải bàn giao cho đến hết thời gian kinh doanh BOT Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với mức thu theo quy định của Bộ Tài chính.
Cũng theo Quyết định 1621 của Thủ tướng, chủ đầu tư điều chỉnh tổng mức đầu tư trong trường hợp có thay đổi đột biến về giá, nguyên vật liệu, chế độ chính sách và do các nguyên nhân khách quan khác làm chi phí lớn hơn tổng mức đầu tư được duyệt. Vidifi được miễn nghĩa vụ đảm bảo thực hiện hợp đồng BOT.
Ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch HĐQT Vidifi - thông tin: Sau 2 năm đưa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào khai thác, bình quân số tiền phí thu được là 5,5 tỷ đồng/ngày, trong khi tiền lãi phải trả là 8 tỷ đồng. “Nhà nước cam kết hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách 23% , trong đó có 4.000 tỷ đồng tiền GPMB, nhưng 8 năm nay Nhà nước chưa có gì” - ông Chiến nói.
Ông Đào Văn Chiến - Chủ tịch Vidifi |
Chủ tịch Vidifi khẳng định, bắt buộc phải thu phí quốc lộ 5 mới thu hồi được vốn đầu tư cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Chính phủ không yêu cầu Vidifi phải sửa chữa quốc lộ 5 trong quá trình thu phí, nhưng nếu không sửa thì quốc lộ 5 không thể khai thác được.
“Việc Vidifi thu phí trên quốc lộ 5 thực chất là hỗ trợ chính sách của Chính phủ chứ không phải là thu phí BOT. Nếu không giao cho Vidifi thì Nhà nước vẫn sẽ thu phí Quố lộ 5 và lấy tiền đó hỗ trợ cho Vidifi làm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng” - ông Chiến lý giải.
Được biết, 2 trạm thu phí trên quốc lộ 5 được bàn giao cho Vidifi vào tháng 11/2009, trong khi đó Quỹ bảo trì đường bộ ra đời năm 2011. Số phí Vidifi thu được trên quốc 5 từ 2009 đến hết năm 2016 là khoảng 1.700 tỷ đồng (sau thuế), tổng chi cho sửa chữa quốc lộ 5 trong giai đoạn 2013 - 2016 là gần 900 tỷ đồng.
Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)