Vì sao giá vàng SJC tăng sốc, sắp chạm mốc 70 triệu đồng/lượng?

10/10/2023 10:40:24

Sáng nay (10/10), giá vàng SJC tăng mạnh lên sát mốc 70 triệu đồng/lượng.

Theo Tiền Phong thông tin, sáng ngày 10/10, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 68,9 - 69,6 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 30.000 đồng/lượng bán ra so với sáng qua. Nhẫn tròn 56,1 - 57,15 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng/lượng.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng ở mức 68,8 - 69,7 triệu đồng, tăng 400.000 đồng/lượng bán ra.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 1.864 USD/ounce, tăng 15 USD/ounce so với sáng qua. Giá vàng thế giới tăng mạnh phiên thứ 2 đầu tuần bởi thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn khi cuộc xung đột Israel - Palestine leo thang làm sâu sắc thêm tình trạng bất ổn chính trị ở Trung Đông và nhớ các dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ.

Theo ý kiến chuyên gia trong nước, giá vàng SJC tăng mạnh cùng chiều với thế giới thời điểm này cũng là bước vào chu kỳ tăng giá vào cuối năm. Mức tăng giá hiện nay khiến giá vàng cao nhất trong vòng 14 tháng qua. Tuy nhiên, vàng tăng giá khiến các doanh nghiệp niêm yết vàng nới rộng khoảng cách mua vào, bán ra khiến người dân chịu thiệt.

Ngày hôm nay, vàng SJC chênh lệch mua vào, bán ra lên tới 900.000 đồng/lượng thay vì 600.000- 700.000 đồng/lượng như trước.

Vì sao giá vàng SJC tăng sốc, sắp chạm mốc 70 triệu đồng/lượng?
Ảnh minh họa: Internet

Trao đổi với Người lao động, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới NPJ, nhận định do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới tăng, cả người dân lẫn doanh nghiệp cũng có tâm lý kỳ vọng giá vàng còn tiếp tục đi lên.

"Đây là yếu tố chính khiến giá vàng trong nước tăng mạnh theo thế giới, cộng thêm việc nguồn cung khan hiếm của vàng SJC càng khiến giá vàng tăng những ngày qua" - ông Trọng nói.

Phân tích kỹ hơn, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho hay giá vàng SJC được niêm yết theo cung cầu nhưng do nguồn cung loại vàng này khan hiếm nên chỉ cần lượng người mua nhiều hơn là đẩy giá lên.

Số liệu chưa đầy đủ nhưng theo giới kinh doanh vàng trong nước, ở thời điểm hiện tại quy mô của thị trường vàng SJC đã thu hẹp rất nhiều so với những năm trước nên chỉ cần quy mô giao dịch 300 - 500 lượng trong một phiên (tương đương khoảng 20-35 tỉ đồng) là có thể kéo giá SJC tăng. Ngược lại, khi nhu cầu bán cao hơn cũng số lượng trên, giá vàng SJC sẽ lao dốc.

Theo các chuyên gia, một phần tiền gửi tiết kiệm tới kỳ đáo hạn nhưng lãi suất giảm nên họ có thể dịch chuyển sang vàng và các kênh đầu tư khác có mức sinh lời tốt hơn.

"Chỉ cần một vài % lượng tiền gửi tiết kiệm đáo hạn rút ra mua vàng là đã có thể tạo "sóng" cho vàng SJC. Bởi từ nhiều năm nay, nguồn cung vàng SJC chủ yếu từ mua đi bán lại trên thị trường, không có nguồn nhập khẩu vàng nguyên liệu để gia công sản xuất vàng miếng" - ông Trần Duy Phương nêu quan điểm.

 

Trên thị trường tiền tệ, ngày 10/10, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.069 đồng/USD, giảm 6 đồng/USD. Tỷ giá tại ngân hàng giảm theo nhưng tỷ giá USD tại chợ đen bất ngờ tăng vọt.

Cụ thể, hiện giá mua vào USD “chợ đen” khoảng 24.560-24.580 đồng, tăng khoảng 50-60 đồng so với sáng qua. Giá bán ra phổ biến quanh mức 24.650 đồng, tăng khoảng 100 đồng.

Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại hôm nay biến động nhẹ, giảm khoảng 5-15 đồng so với cuối tuần trước. Tỷ giá bán ra ở quanh 24.550 đồng.

Tại Vietcombank, tỷ giá USD đang được niêm yết ở mức 24.205-24.545 đồng, giảm 5 đồng so với cuối tuần trước. BIDV cũng giảm 15 đồng xuống 24.220-24.520 đồng. VietinBank niêm yết 24.207-24.547 đồng.

Techcombank cũng giảm 18 đồng xuống 24.217 – 24.537 đồng. ACB lại ngược chiều tăng nhẹ 10 đồng lên 24.230-24.530 đồng.

PN (SHTT)

Nổi bật