Giá vàng trong nước đang tăng nhanh hơn nhưng giảm chậm so với thế giới, khiến sáng 8/8 chênh lệch lên đến 4-4,5 triệu đồng một lượng. Trong khi trước đó, cuối tháng 7, mỗi lượng SJC chỉ cao hơn thế giới 1-2,5 triệu đồng một lượng.
Lý giải tình trạng này, giới chuyên gia cho rằng, chính tình trạng khan hiếm nguồn cung vàng miếng là nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước ngày càng nới rộng.
Sau khi Nghị định 24 ban hành năm 2012 nhằm "chống vàng hoá", Ngân hàng Nhà nước đang độc quyền xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng, cũng như quyết định số lượng vàng miếng dập cho thương hiệu vàng quốc gia SJC.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore, Indonesia đánh giá, chênh lệch giá mua bán được nới rộng có thể do cung vàng miếng không đủ cầu. Vì thế, doanh nghiệp trong nước đẩy giá vàng miếng cao hơn. Còn các loại vàng khác như trang sức không đắt hơn nhiều so với giá thế giới, thậm chí thấp hơn.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam, ông Trần Thanh Hải nói rằng, giá vàng thế giới tăng sốc nên nhiều doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng như SJC, DOJI, ngân hàng thương mại lo thiếu lượng cung.
Đánh giá xu thế tăng giá của vàng là ổn định sau khi kiểm định qua các mốc, doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng trong nước phải nâng giá vàng lên để tránh rủi ro. Ông Hải nhận định, hiện nay nhiều doanh nghiệp muốn mua vàng từ SJC để chủ động nguồn nguyên liệu làm nữ trang tung ra vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Vì thế, SJC phải đẩy giá lên cao phòng khi "vỡ trận" nếu doanh nghiệp đặt mua đồng loạt.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng như Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Bảo Tín Minh Châu cho biết, lượng khách hàng giao dịch có tăng cao so với cùng kỳ. Trong tháng 7 và đầu tháng 8, lượng khách mua bán tại DOJI có cao hơn tháng trước và tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào một vài thời điểm giá vàng tăng mạnh, lượng khách mua bán tại Bảo Tín Minh Châu cũng tăng cao gấp nhiều lần so với cùng thời điểm các năm trước.
Ngay khi giá vàng đang neo ở mức khá cao, đại diện DOJI cho biết hệ thống vẫn ghi nhận khách hàng mua vào. Ngược lại, lượng người đang cất giữ và chưa muốn bán ra cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho rằng luôn chủ động được nguồn cung, không xảy ra tình trạng khan hàng.
Trong bối cảnh này, DOJI cho biết doanh nghiệp phải nới rộng khoảng cách giá mua và bán để phòng rủi ro khi giá vàng đang ở mức cao và có thể quay đầu giảm bất cứ lúc nào, dẫn đến khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới bị nới rộng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cũng khẳng định "không có chuyện thiếu nguồn cung vàng miếng".
Ông Minh cho biết, doanh số mua bán trong tháng 7 tại các doanh nghiệp và ngân hàng được phép kinh doanh vàng miếng giảm hơn tháng trước và so với cùng kỳ. Doanh số mua bán trong tháng 7 thậm chí thấp hơn doanh số bình quân trong 6 tháng đầu năm, có nơi giảm thấp nhất 2-3%, đơn vị giảm mạnh nhất tới 17%.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP HCM cũng nhận định, khi giá thế giới biến động rất mạnh, các doanh nghiệp trong nước phải theo dõi sát sao và thường tăng giá lên để phòng ngừa rủi ro trong hoạt động mua bán.
Bên cạnh đó, theo ông , Ngân hàng Nhà nước cho phép gia công vàng móp méo làm vàng miếng theo đề nghị của Công ty Vàng bạc đá quý SJC. "SJC yêu cầu bao nhiêu, chúng tôi cho phép làm bấy nhiêu", ông nói. Trước đây, Ngân hàng Nhà nước cho phép gia công một lần một tuần nhưng nay có khi đẩy lên 1-3 lần một tuần theo yêu cầu của họ.
Nhiều chuyên gia nhận định, nhu cầu đầu tư vàng của một bộ phận người dân tại Việt Nam là hoàn toàn chính đáng trong bối cảnh nhà đầu tư trên toàn thế giới tìm đến kênh tài sản trú ẩn này do kinh tế bất ổn. Tuy nhiên, chênh lệch giá trong và ngoài nước lớn như hiện nay đang khiến nhà đầu tư trong nước thiệt thòi.
Do đó, ông Trần Thanh Hải cho rằng, để can thiệp thị trường khi cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể cấp hạn ngạch dập vàng miếng cho doanh nghiệp bằng nguồn nguyên liệu phân kim ở trong nước.
Nhưng một chuyên gia lâu năm trong ngành cho rằng, việc phân kim vàng miếng để bù đắp thiếu hụt là không khả thi. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng mà không ảnh hưởng đến tỷ giá.
Vì với dự trữ ngoại hối gần 90 tỷ USD, việc Ngân hàng Nhà nước nhập chục tấn vàng nguyên liệu chỉ tốn vài trăm triệu USD, hoàn toàn kiểm soát được tỷ giá trong nước, chuyên gia cho hay.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM khẳng định, hiện nay giá vàng trong nước vẫn đang diễn biến theo giá thị trường nên chưa cần thiết phải can thiệp.
"Trong trường hợp cần thiết, với nguồn dự trữ ngoại hối gần 90 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực để can thiệp cả thị trường vàng và ngoại tệ", ông Minh cho hay.
Theo Quỳnh Trang (VnExpress.net)